Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

Sau vụ cháy tại Nhà máy Rạng Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội) ngày 28/8/2019 gây thiệt hại không nhỏ về tài sản, khiến môi trường tại khu vực bị ô nhiễm khá nghiêm trọng, điều được nhiều người dân quan tâm hiện này là cá nhân, đơn vị nào chịu trách nhiệm bồi thường đối với những tổn thất đã xảy ra?

Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm

"Vụ cháy tại nhà máy của Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (gọi tắt là Công ty Rạng Đông) mặc dù không có thiệt hại về người nhưng vẫn được coi là vụ cháy nổ rất nghiêm trọng, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường"- Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định.

Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đã gây ô nhiễm, Điều 112 Luật Bảo về môi trường 2014 đã nêu rõ, tổ chức gây ra sự cố môi trường có trách nhiệm thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn, hạn chế nguồn gây ô nhiễm môi trường và hạn chế lan rộng, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống của người dân trong khu vực;

 

ảnh 1Nhà máy của Công ty Rạng Đông hoang tàn sau vụ hỏa hoạn

Ngoài ra, Điều 13 Nghị định 03/2015/NĐ-CP cũng quy định, tổ chức làm môi trường bị ô nhiễm, suy thoái phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với môi trường do mình gây ra.

Căn cứ vào quy định trên, Công ty Rạng Đông có thể sẽ phải chi trả các chi phí ngăn chặn và hạn chế ô nhiễm môi trường cũng như bồi thường thiệt hại về việc làm ô nhiễm môi trường.

Về trách nhiệm dân sự, ngay sau khi vụ cháy nổ diễn ra, do lo sợ bị nhiễm thủy ngân từ hiện trường vụ cháy, đã có hộ dân sinh sống gần khu vực nhà máy đã đi khám sức khỏe, di chuyển đến nơi khác sinh sống, gây tốn kém về tiền của, sinh hoạt gia đình của hộ gia đình đó và cuộc sống của họ bị đảo lộn.

 

Người dân bị thiệt hại có quyền yêu cầu đòi bồi thường

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, Điều 584 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, về nguyên tắc chung, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố: Phải có thiệt hại xảy ra (bao gồm thiệt hại về vật chất  và thiệt hại do tổn thất về tinh thần); Phải có hành vi trái pháp luật; Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật; Phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại.

Mặt khác, tại Điều 602 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, kể cả khi chủ thể đó không có lỗi.

Như vậy, trong vụ hỏa hoạn xảy ra tại nhà máy của Công ty Rạng Đông dù đơn vị này có lỗi hay không, nhưng nếu gây hậu quả làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần, tài sản… của người dân ở vùng lân cận thì vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Người dân ở nơi xảy ra vụ cháy có thể yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường dựa trên thiệt hại thực tế: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị (nếu có).

Hai bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường và phương thức bồi thường. Nếu hai bên không thỏa thuận được, người dân có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy vậy, để có căn cứ đòi bồi thường, người dân phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ về việc khám chữa bệnh, thu nhập thực tế bị ảnh hưởng…

Luật sư Lê Hồng Vân còn cho biết, hiện các cơ quan chức năng vẫn đang điều tra và làm rõ nguyên nhân gây ra vụ cháy nổ đặc biệt nghiêm trọng này. Đây là căn cứ để xách định trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức.

Nếu kết quả điều tra có căn cứ xác định nguyên nhân cháy do lỗi của cá nhân nào đó có hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ các quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy thì người này sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt cao nhất lên tới 12 năm tù giam.

Web designed on www.saco.vn

Top