Trước tính chất phức tạp, nguy hiểm trong hoạt động kinh doanh “khí cười”, ngày 17-10-2018, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế và Bộ Công Thương xem xét việc đưa khí N2O vào danh mục các chất cấm kinh doanh và sử dụng vào cơ thể người để vui chơi, giải trí hoặc làm thay đổi trạng thái tâm thần. Mãi 5 tháng và 7 tháng sau đó, Bộ Y tế và Bộ Công Thương mới có văn bản hồi đáp, nhất trí với đề nghị của Hà Nội. Tuy nhiên lại không đóng góp giải pháp và chế tài cụ thể!
Từ tháng 4-2016, Công an Hà Nội đã xây dựng, triển khai Kế hoạch số 128, tập trung tổng kiểm tra, rà soát, điều tra cơ bản, phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến “bóng cười”. Tuy nhiên, thực tế những gì đang diễn ra cho thấy, những nỗ lực, cố gắng của lực lượng chức năng Hà Nội đang hết sức đơn độc, khó đạt hiệu quả triệt để khi các ngành, các địa phương liên quan vẫn thờ ơ, dửng dưng trước mối họa này.
Rất nhiều người trẻ đang tự đầu độc mình bởi “bóng cười”
Dễ nhập, loạn nguồn cung
Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), căn cứ Phụ lục V, Danh mục hóa chất phải khai báo của Nghị định 26/2011/NĐ-CP ngày 8-4-2011 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 7-10-2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, thì chất khí Nitrous oxide (N2O) có mã số CAS 10024-97-2 và mã số HS2811290090 thuộc nhóm axít vô cơ khác và các hợp chất chứa oxy khác của phi kim loại, khi nhập khẩu phải làm thủ tục khai báo hóa chất với Cục Hóa chất.
Hiểu một cách đơn giản, “khí cười” là mặt hàng được phép nhập khẩu và pháp nhân khi nhập khẩu chỉ cần đáp ứng tối thiểu 2 điều kiện: có chức năng (đăng ký kinh doanh) và khai báo hóa chất với cơ quan quản lý của Bộ Công Thương.
Hai điều kiện này lâu nay được áp dụng đồng thời với cả doanh nghiệp Nhà nước lẫn tư nhân và về mặt hình thức là để cung ứng cho mục đích sử dụng trong lĩnh vực y tế và công nghiệp. Nhưng thực tế, nguồn “khí cười” sau khi nhập khẩu có được sử dụng đúng mục đích không và “đi” những đâu, đang hoàn toàn nằm ngoài sự kiểm soát của lực lượng chức năng.
Minh chứng cho nhận định này, là vụ việc đang được Đội Cảnh sát kinh tế - CAQ Hoàng Mai (Hà Nội) thụ lý. Chiều 21-8-2019, trên đường Nguyễn Xiển, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, tổ công tác Đội Cảnh sát kinh tế phối hợp với Đội CSGT số 14, phát hiện nghi vấn và kiểm tra xe ô tô tải do Phạm Văn Thành (SN 1971, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) điều khiển. Trên xe chở 100 bình kim loại với nhiều dung tích, về sau xác định đều chứa “khí cười”. Lái xe Thành không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số bình khí và khai nhận vận chuyển từ kho hàng ở làng nghề Triều Khúc, huyện Thanh Trì.
CAQ Hoàng Mai sau đó phối hợp cùng CAH Thanh Trì tiến hành khám hành chính kho hàng trên (của Công ty CP thương mại hóa chất Hoa Việt), qua đó phát hiện khoảng 1.000 bình kim loại (gồm cả chứa khí và vỏ bình). Qua phân loại, cơ quan chức năng xác định hàng trăm bình (vỏ) “khí cười” chưa đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Trung tá Đỗ Quang Tùng - Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế - CAQ Hoàng Mai chia sẻ băn khoăn lớn từ vụ việc này. Đó là về mặt hình thức, Công ty Hoa Việt xuất trình được một số giấy tờ thể hiện việc nhập “khí cười” qua cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Tuy nhiên, một lượng không nhỏ bình (vỏ) “khí cười”, thì đại diện doanh nghiệp thừa nhận đã tìm cách mua trôi nổi trên thị trường, mục đích kiếm lời cho cá nhân.
“Đến thời điểm này đã hơn nửa tháng từ khi phát hiện sự việc, chúng tôi vẫn đang trong quá trình xác minh, truy tìm “đầu ra” sản phẩm khí của Công ty Hoa Việt; chưa kể trước đó đã phải trải qua rất nhiều thủ tục để nắm bắt chính xác “đầu đến” từ Hải Phòng. Cần lưu ý, Công ty Hoa Việt chỉ là doanh nghiệp tư nhân và là một trong rất nhiều pháp nhân có đủ điều kiện được nhập khẩu “khí cười” đang hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội nói riêng. Liệu có chắc những dấu hiệu vi phạm chỉ xảy ra ở doanh nghiệp này”, Trung tá Đỗ Quang Tùng chia sẻ.
Sự việc về Công ty Hoa Việt đã hé lộ phần nào thực trạng nguồn cung không giới hạn cho “thị trường khí cười” hiện nay. Và nó chỉ được bộc lộ, chỉ được cảnh báo bởi sự nhìn rõ nguy cơ, và sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an, Quản lý thị trường Hà Nội.
Lực lượng chức năng Hà Nội kiểm tra 1 cơ sở tập kết “khí cười”
Kiểm soát chặt việc sử dụng, xử lý nghiêm vi phạm
Trung tuần tháng 8-2019, Ban Giám đốc CATP Hà Nội chỉ đạo các phòng chức năng, Công an quận, huyện, thị xã, phối hợp với lực lượng Quản lý thị trường, mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh, sử dụng “bóng cười”. Trước đó ít lâu, một đêm kiểm tra hành chính ở địa bàn quận Hoàn Kiếm đối với khoảng 30 quán bar, cà phê, lực lượng Công an - Quản lý thị trường phát hiện, thu giữ hàng nghìn sản phẩm “bóng cười”. Động thái quyết liệt của Công an và Quản lý thị trường Hà Nội cho thấy rõ quyết tâm trong quan điểm, chỉ đạo của lãnh đạo TP Hà Nội: phải sớm có những giải pháp, đề xuất mạnh để ngăn chặn mầm họa mang tên “bóng cười”!
Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trịnh Anh Dũng - Trưởng văn phòng Luật sư Trịnh (đoàn Luật sư Hà Nội) đồng tình với những kiến nghị gần đây của TP Hà Nội với Bộ Y tế, Bộ Công Thương về việc siết chặt “bóng cười”. Luật sư Trịnh Anh Dũng cho rằng, cần đưa việc kinh doanh khí N2O vào danh mục hàng hóa kinh doanh có điều kiện để quản lý, áp dụng các chế tài xử lý phù hợp; rút giấy phép kinh doanh cơ sở từng bị xử phạt mà tái phạm…
Hiện tại, TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo Văn phòng Chính phủ, kiến nghị chỉ đạo các bộ, ngành tham mưu với Chính phủ đưa khí N20 vào quản lý như quản lý chất hướng thần. Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố giao các sở, ngành chức năng tham mưu UBND TP có quy định về việc thu hồi vĩnh viễn giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh đối với cơ sở hoặc chủ cơ sở kinh doanh khí N20 hoặc cho phép sử dụng khí N20 với mục đích vui chơi giải trí.
Bịt sớm những lỗ hổng về chế tài trong công tác kiểm soát, quản lý việc sử dụng “khí cười” trên thị trường; xử lý nghiêm hành vi bất chấp sự nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng người dân, thu lợi bất chính từ “bóng cười”; nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của “thú chơi” đắt tiền này… Đó là những động thái phải thực hiện đồng bộ và phải được bắt đầu từ nhận thức - trách nhiệm của cơ quan quản lý.