Theo quan sát, chỉ trong buổi sáng, lượng bệnh nhi đến khám sàng lọc và tiêm ngừa vắc-xin các loại bệnh phổ biến ở trạm y tế phường 13 khá nhiều, tăng khoảng gấp hai lần so với những ngày thường.
Ở sảnh trước, người dân cũng ngồi chờ để khám, chữa bệnh khá đông, trạm y tế phải huy động thêm một số cộng tác viên để hỗ trợ, hướng dẫn người dân. Thực tế cho thấy, trạm y tế có phần lớn các phòng chuyên khoa, như: Tai-mũi-họng, Răng-hàm-mặt, y dược cổ truyền - phục hồi chức năng, xét nghiệm, thanh trùng, khám thai, kế hoạch hóa gia đình - thủ thuật, sơ cứu - cấp cứu - thủ thuật, khám tổng quát - sàng lọc tiêm chủng, dược, khám tổng quát - siêu âm, tiêm - tiêm chủng, lưu bệnh, X-quang. Bên cạnh đó, trạm y tế tiếp nhận khám, chữa bệnh cho tất cả người bệnh có thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; người bệnh có BHYT được thanh toán toàn bộ đối với tiền khám và các loại thuốc nằm trong danh mục BHYT của Bộ Y tế. Có 29 bác sĩ (BS) của BV Nhân dân Gia Ðịnh và hai BS của BV Nhi Ðồng 2 (thuộc nhiều chuyên khoa, phần lớn là trưởng và phó khoa) tham gia công tác hỗ trợ, tư vấn, hội chẩn trực tuyến về chuyên môn cho trạm y tế. BS Lê Hoài Nam, Trưởng trạm y tế cho biết thêm: Nhờ được đầu tư khá lớn về trang thiết bị cho nên trạm y tế đã có được các dịch vụ siêu âm mầu (máy siêu âm đời mới của châu Âu), đo điện tâm đồ, tầm soát ung thư cổ tử cung, các xét nghiệm sinh hóa thông thường, tiêm thuốc tránh thai, tiêm chủng nhiều loại vắc-xin phòng bệnh phổ biến với các vắc-xin của nước ngoài…
Theo Sở Y tế thành phố, trong nhiều năm qua, người dân chưa tin và chưa đến với trạm y tế để khám, chữa bệnh ban đầu. Nguyên nhân cơ bản dễ thấy là tình trạng thiếu BS và thiếu thuốc. Bởi thực tế, các trạm y tế là cơ sở y tế thuộc trung tâm y tế quận, huyện, nguồn nhân lực chưa đáp ứng đủ hai BS cho trạm y tế và nguồn thuốc cung ứng phải nhờ qua các BV, chưa đáp ứng mong mỏi của cả người bệnh và BS của trạm y tế. Trong thời gian qua, mô hình "Phòng khám đa khoa vệ tinh" của BV quận đặt tại trạm y tế đã thành công trong việc tạo niềm tin và thu hút người dân đến khám, chữa bệnh ban đầu. Mô hình này sẽ được mở rộng trong thời gian tới đối với những quận, huyện đông dân cư. Như vậy, phần lớn các trạm y tế còn lại phải đổi mới hoạt động để xây dựng niềm tin cho người dân.
Ðể đạt được mục tiêu này, các trạm y tế sẽ được cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung trang thiết bị và nhất là danh mục thuốc thiết yếu cần thiết cho hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu, đúng theo các quy chuẩn của Bộ Y tế; bổ sung nhân lực BS đã được đào tạo chương trình BS gia đình và bảo đảm mỗi trạm y tế phải có ít nhất hai BS để không bị gián đoạn công tác khám, chữa bệnh khi người dân đến khám bệnh. Ðể thực hiện yêu cầu này, các BV và trung tâm y tế của 24 quận, huyện sẽ luân phiên BS từ 6 đến 12 tháng đến công tác tại trạm y tế, đồng thời các BS của trạm y tế sẽ được luân phiên "ngược" về các BV quận - huyện để nâng cao tay nghề và năng lực khám, chữa bệnh.
Để các BS ở trạm y tế không "lẻ loi" cũng như tự tin hơn trong lúc khám, chữa bệnh, người bệnh cũng an tâm hơn, trạm y tế sẽ được kết nối trực tuyến với các BS ở các BV tuyến cuối hoặc chuyên gia y khoa đầu ngành của thành phố, thực hiện việc tư vấn và hội chẩn từ xa nhờ phần mềm hội chẩn trực tuyến (thông qua điện thoại hoặc các thiết bị thông minh). Nhờ đó, các BS tại trạm y tế sẽ dễ dàng trao đổi và xin ý kiến chuyên môn ngay lập tức với các BS chuyên khoa đầu ngành của các BV thành phố. Các BS của các BV thành phố cũng có thể trao đổi trực tiếp với người bệnh đang ngồi khám bệnh ở trạm y tế.
Theo PGS, TS, BS Trần Việt Hồng, Phó Giám đốc BV Nhân Dân Gia Ðịnh (BV tham gia hỗ trợ trạm y tế ở bốn quận): BV cử 29 BS thuộc các chuyên khoa (mỗi chuyên khoa cử hai BS là trưởng và phó khoa) thường xuyên tham gia công tác hỗ trợ và tư vấn trực tuyến về chuyên môn cho trạm y tế phường 13. Bất kỳ người bệnh đến khám, chữa bệnh ở trạm y tế có bệnh lý liên quan chuyên khoa nào mà gặp khó thì BS ở trạm y tế sẽ liên lạc trực tiếp với BS hỗ trợ để tư vấn và hội chẩn. Nếu cả hai BS đều bận hoặc trường hợp phát sinh cần thiết thì lãnh đạo BV sẽ phân công, điều động thêm BS hỗ trợ.
PGS, TS, BS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố, ngoài giải pháp bổ sung nhân sự (BS) đã có ở trên, ngành y tế cũng sẽ cải thiện thuốc chữa bệnh, danh mục thuốc sẽ lên hơn 200 loại, đầu tư bổ sung những trang thiết bị thiết yếu và sẽ triển khai thêm máy đo X-quang di động ở các trạm y tế. Sở Y tế cũng đã lên phương án xử lý với những tình huống bệnh chuyển biến xấu đột ngột, BV quận sẽ đưa xe cứu thương đến ngay, sơ cứu và đưa người bệnh về BV quận để cứu chữa. Trạm y tế cũng sẽ có nhiệm vụ quản lý sức khỏe (hồ sơ sức khỏe điện tử) từng người dân trên địa bàn. Sau Trạm Y tế phường 13 (quận Bình Thạnh), Sở Y tế sẽ tiếp tục triển khai mô hình mới này tại 23 trạm y tế ở 23 quận, huyện còn lại.
HOÀNG LIÊM