Tại tỉnh An Giang, Đoàn kiểm tra đã làm việc với Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện Châu Thành và Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh. Theo báo cáo, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch công tác PBGDPL năm 2018. Căn cứ Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, 22 sở, ngành của tỉnh và 11/11 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch hướng dẫn. Hội đồng tỉnh và các Hội đồng cấp huyện đều được kiện toàn. Một số cơ quan, đơn vị cấp tỉnh (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh) đã thành lập Hội đồng.
Theo số liệu báo cáo, toàn tỉnh hiện có 194 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 184 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 1.998 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đội ngũ báo cáo viên pháp luật hằng năm được tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng PBGDPL, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động.
Nội dung PBGDPL tập trung vào các văn bản luật mới ban hành, văn bản luật thiết thực với đời sống, công tác của người dân với nhiều hình thức PBGDPL có hiệu quả như: phổ biến pháp luật trực tiếp (tổ chức 25.380 cuộc thu hút 1.095.690 lượt người dự); tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật (tổ chức 200 cuộc thi thu hút hơn 79.000 lượt người dự thi); phát hành miễn phí tài liệu pháp luật (hơn 2,3 triệu tài liệu pháp luật); PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng (16.997 tin, bài); đài truyền thanh cấp xã (53.554 lần phát sóng); PBGDPL trong nhà trường; lồng ghép PBGDPL với họp dân; xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật; giáo dục pháp luật trong nhà trường…
Đoàn kiểm tra cũng ghi nhận, bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác PBGDPL còn gặp một số tồn tại, hạn chế, trong đó một số thành viên Hội đồng chưa thực sự phát huy vai trò, hoạt động chưa hiệu quả. Chất lượng hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật chưa đồng đều, hoạt động xã hội hóa về PBGDPL còn gặp nhiều khó khăn.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp đề nghị cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác PBGDPL. Chú trọng nâng cao kỹ năng PBGDPL cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên, giáo viên dạy môn giáo dục công dân; đa dạng hóa các hình thức PBGDPL.
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, lồng ghép PBGDPL trong việc thực hiện công vụ; nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật trong nhà trường theo chương trình chính khóa và ngoài giờ lên lớp; PBGDPL cho đối tượng đặc thù.
Thời gian tới, đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm bố trí kinh phí và tăng cường xã hội hóa công tác PBGDPL. Hội đồng phối hợp tỉnh cần sớm xây dựng, ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2019 sát với yêu cầu thực tiễn, trong đó tập trung phổ biến các lĩnh vực, nội dung pháp luật được dư luận xã hội và người dân trên địa bàn quan tâm.
Từ thực tiễn cho thấy nhiều mô hình PBGDPL hiệu quả: “Cafe với pháp luật”, Câu lạc bộ pháp luật, mô hình tư vấn pháp luật tại khu nhà trọ cho công nhân; Gameshow pháp luật của Liên đoàn lao động tỉnh; phổ biến pháp luật cho đồng bào người dân tộc Khơ-me, mô hình Ngày Pháp luật hàng tháng...
(Theo Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp)
THÁI ANH
Tổng hợp