Trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS huyện Lạc Dương nằm bên chân núi Lang Biang huyền thoại. Khoảng 15 năm trước, điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, việc tiếp cận công nghệ thông tin (CNTT) là niềm mơ ước của giáo viên và học sinh nơi đây. Từ năm 2008, những bản giáo án điện tử đầu tiên bắt đầu xuất hiện trong các tiết học, được minh họa bằng dữ liệu đa phương tiện một cách trực quan, đã tạo sức hút mạnh mẽ với học sinh.
Gần đây xuất hiện thêm những thiết bị công nghệ dạy học hiện đại như sách giáo khoa điện tử, bài giảng E-learning... tạo nên những giờ học chất lượng. Em Kon Sơ Ly Ðơ, học lớp 6, Trường PTDTNT THCS huyện Lạc Dương chia sẻ: "Cùng với những hình ảnh, đoạn phim thực tế liên quan môn học, chúng em còn được cô giáo mở rộng thêm kiến thức tra cứu trên mạng in-tơ-nét". Hiệu trưởng Hoàng Thị Cúc Huyền cho biết, Trường PTDTNT THCS huyện Lạc Dương có 34 cán bộ, giáo viên và nhân viên; trong đó có 20 giáo viên. Năm học 2018-2019, 195 học sinh của trường đều được tổ chức nội trú. Hiện toàn bộ tám phòng học được lắp đặt hệ thống máy chiếu, ti-vi cỡ lớn và hệ thống máy tính kết nối mạng in-tơ-nét. Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Lạc Dương Phạm Hồng Thái: ngành xác định, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý giáo dục và dạy học là một trong chín nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian qua, toàn huyện đã triển khai hiệu quả một số ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý, dạy học, như quản lý trường học trực tuyến, quản lý thư viện, xét tốt nghiệp THCS, thi học sinh giỏi, bài giảng điện tử; truyền tải nội dung cuộc cách mạng 4.0 đến giáo viên, từng bước thay đổi tư duy sáng tạo trong dạy và học, tạo ra những tiết học chất lượng, hấp dẫn.
Nam Tây Nguyên vào mùa khô, hoa dã quỳ mộc mạc đã trải thảm vàng trên những triền đồi và cung đường đến lớp. Giờ ra chơi, học sinh Trường THPT Lang Biang đang rủ nhau nô đùa, tết những cánh hoa dại thành những vòng hoa trạng nguyên. Tiếng trống trường đã điểm, lớp 10A4 vào tiết Anh văn. Trên bục giảng, cô giáo Nguyễn Quỳnh Anh đang say sưa trình bày những đoạn văn tả cảnh, kèm theo hình ảnh sinh động qua máy chiếu. Sau những lần cô giáo trình bày, là một đoạn "thoại" bằng giọng "gốc" của người dân nói tiếng Anh để học sinh từng bước làm quen. Em Rơ Ông K’Ết cho biết, các tiết học ứng dụng CNTT đã giúp chúng em tiếp cận phương pháp dạy học mới hấp dẫn hơn. Như ở môn Anh văn, hình ảnh minh họa trên máy chiếu kết hợp với hiệu ứng âm thanh sẽ giúp chúng em dễ hình dung hơn, có điều kiện để nghe được tiếng Anh của người bản xứ. "Giờ đây giáo viên, học sinh có thể tìm kiếm các bài giảng, những chủ đề liên quan để bổ trợ cho môn học. Các tiết học bây giờ là sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, tạo nên sự sống động, thích thú", cô Nguyễn Quỳnh Anh cho biết. Trường THPT Lang Biang khá đặc biệt, bởi có rất nhiều học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, cách trường từ 20 đến 70 km; 70% học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, Phó Hiệu trưởng Nguyễn Mậu Pháp cho biết: "Nhận thức tầm quan trọng của CNTT, nhà trường luôn quan tâm việc ứng dụng CNTT trong những tiết học, góp phần nâng cao chất lượng học tập cho học sinh; sự tìm tòi, sáng tạo của giáo viên và tạo môi trường giáo dục mang tính tương tác cao, chứ không đơn thuần là thầy giảng, trò nghe, thầy đọc, trò chép như trước đây".
Việc giáo viên tích cực ứng dụng CNTT đã góp phần giúp học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức, hoàn thiện đầy đủ các kỹ năng. Hiện tất cả trường học tại Lâm Ðồng đã được trang bị hệ thống máy tính, kết nối mạng in-tơ-nét và cơ bản trang bị được phương tiện trình chiếu, phục vụ giảng dạy bằng giáo án điện tử; hơn 97% giáo viên từ mầm non đến THPT đã qua các khóa tập huấn ứng dụng CNTT trong dạy học, theo chương trình giáo dục của Intel. Do vậy, việc ứng dụng phần mềm trong quản lý, giảng dạy, soạn bài giảng, thực hiện chương trình thí nghiệm ảo... diễn ra thuận lợi. Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Lâm Ðồng Trần Ðức Lợi cho biết, năm học 2018-2019, ngành giáo dục Lâm Ðồng tiếp tục phát triển theo hướng đổi mới căn bản, toàn diện, bảo đảm các yếu tố chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế… Toàn ngành đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản lý giáo dục là một trong chín nhiệm vụ trọng tâm, góp phần thực hiện thành công đề án xây dựng Ðà Lạt trở thành thành phố thông minh, với các giải pháp hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning, lớp học tương tác thông minh, cơ sở dữ liệu liên thông, định hướng học tập cá nhân hóa…
Bài và ảnh: MAI BẢO, HẢI BÌNH