Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

Cơ cấu giá trị ngành Nhựa Việt Nam thuộc về bốn nhóm ngành chính là: Nhựa bao bì (39%); Nhựa gia dụng (32%); Nhựa xây dựng (14%) và Nhựa kỹ thuật (9%). Trong nước hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa (tập trung chủ yếu tại miền nam, chiếm 84% tổng số doanh nghiệp sản xuất nhựa trên toàn quốc), chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung phần lớn vào nhóm bao bì và nhựa gia dụng.

Tuy nhiên, đến nay Ngành công nghiệp hóa dầu Việt Nam mới đáp ứng nhu cầu được khoảng 15% về nhựa PP, 30% nhựa PET và 50% nhựa PVC cho ngành Nhựa. Riêng hạt nhựa PE vẫn chưa có một doanh nghiệp nội nào sản xuất. Tổng nguyên liệu nhựa sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu mỗi năm, 80% còn lại hoàn toàn phải nhập khẩu khiến các doanh nghiệp nhựa, sản xuất mặt hàng có thành phần nhựa trong nước khó chủ động trong kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Mỗi năm, ngành nhựa Việt Nam xuất khẩu khoảng hai tỷ USD các mặt hàng nhựa, trong đó chủ yếu là nhóm nhựa bao bì có giá trị gia tăng thấp. Mặt khác, trên 60% giá trị nhựa xuất khẩu đến từ các doanh nghiệp FDI có hệ thống trang thiết bị hiện đại, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế.

Là một trong những nhà sản xuất và cung cấp hàng đầu nhựa PP nguyên sinh tại Việt Nam, Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị thành viên của Petrovietnam đang phải nỗ lực khắc phục tồn tại của những năm qua để củng cố, xây dựng hướng đi vững chắc nhằm khai thác tối đa tiềm năng này thông qua việc thiết lập hệ thống các đối tác sản xuất trong ngành Nhựa có khả năng tiêu thụ ổn định, lâu dài, tránh phụ thuộc vào một nhóm khách hàng có mục đích chi phối, thao túng thị trường.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất do BSR quản lý, vận hành có công suất chế biến là 6,5 triệu tấn dầu thô một năm đi vào vận hành thương mại từ năm 2010. Bên cạnh các sản phẩm lọc dầu như khí hóa lỏng (LPG), các loại xăng dầu thì Nhà máy cũng sản xuất được sản phẩm hóa dầu là hạt nhựa PP (Polypropylen). Nhà máy lọc dầu Dung quất là nhà máy đầu tiên sản xuất khoảng 150 nghìn tấn sản phẩm hạt nhựa PP/năm (chủng loại homo). Đến nay, tổng lượng hạt nhựa PP cung cấp ra thị trường là trên 1,2 triệu tấn, góp phần giảm phụ thuộc vào hàng nhập khẩu nước ngoài, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất sản phẩm từ nhựa PP trong nước, đa dạng hóa sản phẩm cho Nhà máy.

Sản phẩm PP là sản phẩm hóa dầu nên có biên lợi nhuận ổn định và cao hơn nhiều so với sản phẩm lọc dầu, vì thế lợi nhuận từ sản phẩm nhựa PP chiếm tỷ trọng rất cao trong cơ cấu sản phẩm của Nhà máy, tại một số giai đoạn khi các sản phẩm lọc dầu bị lỗ thì sản phẩm PP vẫn có lãi cao nên đã bù lại được phần nào tác động này. Với ảnh hưởng rất quan trọng của PP đến hiệu quả của BSR và đặc biệt là với sự phát triển của ngành Nhựa của Việt Nam thì việc phải xây dựng, phát triển thị trường nhựa PP một cách bền vững, minh bạch, cạnh tranh tránh qua nhiều khâu trung gian vừa giúp BSR tránh lệ thuộc, bị thao túng đồng thời hỗ trợ được ngành sản xuất các sản phẩm nhựa trong nước là rất cấp thiết và có ý nghĩa.

Từ năm 2010 đến năm 2015, BSR tổ chức bán PP theo hình thức bán chuyến, do đó việc tiêu thụ sản phẩm không ổn định, chưa tạo được thị trường, việc bán hàng gặp khó khăn. Năm 2016, 50% khối lượng sản phẩm theo kế hoạch BSR bán theo hình thức hợp đồng dài hạn (một năm) dựa trên kết quả chào giá cạnh tranh; 50% còn lại được bán cho một số khách hàng không qua đấu giá mà giao bằng giá bình quân phần đã được chào cạnh tranh của các đối tác khác. Phần sản lượng vượt kế hoạch sẽ được chào bán đấu giá hoặc bổ sung cho các khách hàng mua dài hạn. Năm 2017, vẫn lặp lại cách bán hàng nêu trên. Năm 2018, BSR tiến hành bán theo Hợp đồng dài hạn bốn năm cho năm nhà tiêu thụ cũng chính là các đối tác cũ, không có đối tác mới, chỉ thay đổi hình thức bán. Tiêu chí lựa chọn cũng chỉ dựa trên các đối tác này, hợp đồng ký với đối tác cũng có nhiều điểm khác nhau, giá bán thì thỏa thuận, đàm phán hàng năm cho phần dài hạn, phần vượt kế hoạch theo quy định thì đấu giá nhưng thực tế chỉ đấu có hai lần, cả hai lần đều cho giá khá cao, có sự chênh lệch khá lớn. Điều đáng nói hơn là phần lớn sản lượng chỉ rơi vào tay một đối tác, trong đó có phần mua đi bán lại! Như vậy, có thể thấy rõ với phương thức bán hàng nêu trên tiềm ẩn một số bất cập, rủi ro như: Không xây dựng được mạng lưới các hộ tiêu thụ một cách thực sự bền vững; tập trung quá nhiều vào một vài đầu mối sẽ rất rủi ro nếu các đầu mối này có sự cố hoặc bị chính các đầu mối này chi phối lại; sản phẩm đến người tiêu dùng, sản xuất qua nhiều cầu, tầng nấc làm tăng chi phí đầu vào cho ngành nhựa; giá bán có thể chưa sát giá thị trường, có thể làm giảm hiệu quả của BSR, của nhà nước…

Với mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững, hiệu quả, minh bạch, cùng với việc nghiên cứu để đề ra chiến lược phát triển các sản phẩm nhựa polime trong định hướng phát triển lĩnh vực hóa dầu, BSR cần phải tập trung rà soát, đánh giá, củng cố để tổ chức việc phát triển thị trường gắn với tiêu thụ sản phẩm PP một cách ổn định, vừa đem lại hiệu quả cho BSR đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ hệ thống các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa trong nước nhằm tạo chuỗi giá trị gia tăng để cùng nhau phát triển bền vững. Theo đó, BSR sẽ đánh giá, mời các nhà sản xuất lớn tham gia vào hệ thống mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt khâu trung gian, đồng thời xây dựng chính sách bán hàng đi kèm bảo đảm minh bạch, công bằng, bình đẳng theo nguyên tắc thị trường. Qua đó sẽ tạo được sự gắn kết trực tiếp, giảm chi phí chung của xã hội, tạo dựng được thị trường tiêu thụ một cách lâu dài.

Theo đại diện lãnh đạo BSR, trên cơ sở đánh giá và rút kinh nghiệm từ quá trình tiêu thụ suốt thời gian qua, BSR xác định một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong việc tiêu thụ sản phẩm hạt nhựa PP trong thời gian tới là hiệu quả, minh bạch, cạnh tranh về giá cả. Với phương án nêu trên, thực chất BSR phải khẩn trương triển khai xây dựng, phát triển kênh phân phối, hạn chế phụ thuộc vào một hoặc một nhóm khách hàng có liên kết với nhau để hạn chế rủi ro, tạo điều kiện cho tiêu thụ, sản xuất ổn định lâu dài. Đặc biệt khuyến khích việc đưa hàng tới các nhà sản xuất lớn để tạo điều kiện cho sản xuất trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm Việt Nam. Song song với đó, BSR cũng cần phải quan tâm, xử lý triệt để, nghiêm túc và khắc phục các tồn tại, bất cập trong công tác tiêu thụ sản phẩm nhựa PP thời gian qua.

Với dư địa rất lớn trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất nhựa, BSR dự kiến đây sẽ là ngành công nghiệp hỗ trợ tăng trưởng mạnh trong vòng 10 năm tới và sẽ là một trong những lĩnh vực cần đầu tư trọng điểm của khâu cuối không chỉ của BSR nói riêng và của ngành dầu khí Việt Nam nói chung.

Web designed on www.saco.vn

Top