Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

Những năm gần đây, CNTT đã xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, như: Soạn thảo văn bản, gửi thư điện tử, lưu trữ tài liệu, kết nối mạng xã hội, sử dụng điện thoại thông minh, các hoạt động của ngành tài chính, ngân hàng, giao thông vận tải… Thí dụ, trong lĩnh vực ngân hàng, các công nghệ như in-tơ-nét, điện toán đám mây, dữ liệu quy mô lớn không chỉ giúp ngân hàng định hình lại mô hình kinh doanh, quản trị thông minh mà còn hướng tới việc xây dựng các ngân hàng kỹ thuật số thông minh trong tương lai.

Tất nhiên, hành lang pháp lý phục vụ công tác thanh toán điện tử, tiền ảo, thẻ ảo… cũng cần được tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, sửa đổi và bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế và sự phát triển nhanh chóng của CNTT và viễn thông. Các nhà khoa học quốc tế dự báo sau năm 2025, nhân loại sẽ có hơn 20 sản phẩm công nghệ định hình tương lai kỹ thuật số và thế giới siêu kết nối nhờ có sự đóng góp đắc lực của CNTT. Chẳng hạn, 90% số dân sẽ sử dụng điện thoại thông minh; có hàng nghìn tỷ cảm biến kết nối in-tơ-nét; xuất hiện dược sĩ rô-bốt và ô-tô không người lái được sản xuất bằng công nghệ 3D…

Trước làn sóng của CMCN 4.0 đang phát triển mạnh mẽ, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chỉ thị nhấn mạnh, tập trung thúc đẩy phát triển, tạo sự bứt phá về hạ tầng, ứng dụng và đào tạo nhân lực CNTT - truyền thông. Phát triển hạ tầng kết nối số và bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân dễ dàng và bình đẳng trong sử dụng nội dung số. Các bộ, ngành cần khẩn trương triển khai xây dựng Chính phủ điện tử; xây dựng chiến lược chuyển đổi số, nền quản trị thông minh; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp và du lịch thông minh.

Trước đòi hỏi đó, các chuyên gia cho rằng, cần tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng CNTT, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và phát triển, kinh doanh công nghệ mới. Ðẩy mạnh hơn nữa hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan, đơn vị. Doanh nghiệp viễn thông chú trọng hoàn thiện mạng truyền thông di động 4G, bảo đảm cung cấp dịch vụ ổn định trên phạm vi cả nước, đồng thời có kế hoạch tiếp cận, phát triển mạng di động 5G; đáp ứng nhu cầu in-tơ-nét kết nối vạn vật trong thời gian sớm nhất. Mặt khác, tập trung phát triển một số lĩnh vực, sản phẩm trọng điểm về công nghiệp CNTT - truyền thông có vai trò then chốt trong CMCN 4.0.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, để chủ động tham gia vào CMCN 4.0, bên cạnh việc nghiên cứu, tiếp thu và ứng dụng các công nghệ mới và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cần tích cực triển khai thực hiện chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016 - 2020 (theo Quyết định số 153/QÐ - TTg) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đến năm 2020, có 100% các bộ, ngành, các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung; đáp ứng kết nối hơn 50% các hệ thống thông tin của các bộ, ngành và địa phương có nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia; hơn 30% số hồ sơ thủ tục hành chính tại các địa phương được xử lý trực tuyến ở mức độ 4. Ðồng thời, đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại cao nhất trên thế giới theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế. Bảo đảm 100% các dịch vụ công cấp độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung và khoảng 50% cổng thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố được giám sát an toàn thông tin. Mặt khác, xây dựng và đưa vào hoạt động bảy khu CNTT tập trung theo Quyết định số 392/2015/TTg của Thủ tướng Chính phủ và nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển một số sản phẩm CNTT trọng điểm.

Ðiều không kém phần quan trọng trong bối cảnh hội nhập và diễn biến khôn lường của cách mạng 4.0 là đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và tìm giải pháp bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng, kịp thời xử lý các mối nguy hại đe dọa an ninh mạng.

Linh Trun

Web designed on www.saco.vn

Top