Theo báo cáo nêu trên, nhiệt độ trái đất sẽ tăng thêm 1,5 độ C so với mức của thời kỳ tiền công nghiệp vào đầu năm 2030, kéo theo nguy cơ hạn hán, cháy rừng, lũ lụt nghiêm trọng. Hàng trăm triệu người cũng sẽ phải đối mặt tình trạng thiếu lương thực. Ông A.Kinh, giảng viên chuyên về khoa học khí hậu thuộc Đại học Melbourne, Australia nhận định, nếu nhiệt độ toàn cầu tăng vượt quá 1,5 độ C, nhiều vấn đề sẽ phát sinh như mùa hè trở nên oi bức, mực nước biển dâng cao, hạn hán và ngập lụt sẽ xảy ra thường xuyên tại nhiều nơi trên thế giới.
Theo Hiệp định Paris ký năm 2015 về chống biến đổi khí hậu, gần 200 quốc gia đã cam kết giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới mức 2 độ C so thời kỳ tiền công nghiệp, và theo đuổi các nỗ lực để hạn chế ở mức 1,5 độ C. Để giữ cho nhiệt độ trái đất tăng ở mức 1,5 độ C so thời kỳ tiền công nghiệp, lượng khí thải CO2 toàn cầu năm 2030 sẽ cần giảm 45% so mức của năm 2010 và không còn phát thải loại khí này vào khoảng năm 2050.
Giới chuyên gia dường như không mấy lạc quan về cơ hội duy trì nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1,5 độ C. Ngay cả khi mục tiêu này được thực hiện, các tác động của biến đổi khí hậu vẫn sẽ lan rộng và đáng lo ngại. Ông Pan-mao Chai, đồng Chủ tịch Nhóm công tác I của IPCC cho biết, thế giới đã chứng kiến những hậu quả của việc nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1 độ C trong thời gian qua, như mực nước biển dâng cao, băng ở Bắc Cực tan, thời tiết khắc nghiệt hơn, cùng hàng loạt những thay đổi mang tính tiêu cực khác. Báo cáo của IPCC cảnh báo, nhiệt độ trong các đợt nắng nóng mùa hè có thể sẽ tăng thêm 3 độ C, hạn hán hay những cơn bão lớn diễn ra thường xuyên hơn thời gian tới.
Biến đổi khí hậu cũng khiến một số hệ sinh thái biến mất. Các rạn san hô bị ảnh hưởng nghiêm trọng, với khoảng 70% đến 90% diện tích dự báo sẽ chết. Các nước ở bán cầu Nam sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu, kéo theo những tác động xấu đối với tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn thế giới.
Báo cáo của IPCC cũng cho biết, để kiềm chế tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C là điều có thể làm được, xét trong định luật hóa học và vật lý, tuy nhiên, thế giới cần thay đổi một cách tích cực trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, xây dựng, giao thông và đô thị. Giới chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Niu Xao Uên khẳng định, để hạn chế khí thải và sự ấm lên toàn cầu cùng những tác động của nó, hợp tác quốc tế và phối hợp hiệu quả giữa các quốc gia trên thế giới trở nên cấp bách; những năm tới là giai đoạn rất quan trọng đối với các nỗ lực này.
Thảm họa biến đổi khí hậu đã cận kề, với hàng loạt cảnh báo đáng lo ngại. Báo cáo của Liên hợp quốc cũng cho thấy, những gì xảy ra tiếp theo có thể còn tồi tệ hơn. Các quốc gia hiểu rằng, cam kết chính trị ở quy mô toàn cầu nhằm làm giảm lượng khí thải CO2 cần được đẩy mạnh một cách thực chất và hiệu quả. Một số phương pháp để hạn chế khí thải CO2 ra bầu khí quyển đã được đưa ra, trong đó có việc thúc đẩy các quy trình tự nhiên và phát triển công nghệ lưu trữ, sử dụng năng lượng từ nước, gió, thay thế năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch.
NAM HỒNG