Trong 5 năm gần đây, công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng được ngành giáo dục quan tâm, chú trọng. Điều đó xuất phát từ nhu cầu tất yếu khách quan của công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế. Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục gồm các bước: Cơ sở giáo dục tự đánh giá; đánh giá ngoài và thẩm định, công nhận hoặc không công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Cho đến nay, cả nước có 218 trường đại học và 33 trường cao đẳng đã thành lập tổ chức bảo đảm, kiểm định chất lượng và hoàn thành báo cáo “tự đánh giá”. Trong giai đoạn từ tháng 1 - 2016 đến hết tháng 5-2018, bốn trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam đã tiến hành đánh giá ngoài 122 trường đại học, trong đó có 117 trường được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, gồm 100 trường đại học công lập, 17 trường đại học ngoài công lập. Ngoài ra, có ba trường cao đẳng sư phạm, 10 chương trình đào tạo đã được kiểm định.
Đáng chú ý, có sáu trường đại học Việt Nam được hai tổ chức kiểm định quốc tế là Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học Pháp (HCERES) và Mạng lưới bảo đảm chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA) đánh giá và cấp giấy chứng nhận chất lượng; 111 chương trình đào tạo của 23 trường đại học được đánh giá theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế (chương trình đánh giá theo chuẩn của: Ủy ban Bằng kỹ sư Pháp (CTI); Hội đồng Kiểm định kỹ thuật và Công nghệ Mỹ (ABET); Hiệp hội Phát triển giảng dạy doanh thương bậc đại học (AACSB), FIBAA Thụy Sĩ)…
Trong quá trình kiểm định sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quy định về kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học mới, gồm 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí. Đây là bộ tiêu chuẩn được xây dựng theo hướng tiếp cận với tiêu chuẩn đánh giá chương trình đào tạo của AUN-QA.
Có thể nói, kết quả kiểm định đã phản ánh khách quan, cụ thể những điểm mạnh, điểm yếu của giáo dục đại học. Kết quả kiểm định được sử dụng làm căn cứ để xác định chất lượng, vị thế và uy tín, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học. Trên cơ sở kiểm định, các cơ quan quản lý có cơ sở khoa học để điều chỉnh, đổi mới cơ chế, chính sách, hỗ trợ đầu tư, giao nhiệm vụ và là căn cứ để nhà nước và xã hội giám sát hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Sau khi kiểm định đã tạo bước chuyển biến tích cực và thay đổi trong nhận thức và hành động đối với các trường đại học. Nhiều trường có những cam kết mạnh mẽ và thực hiện cải tiến chất lượng ngay sau đánh giá. Những kết quả đánh giá chênh lệch giữa báo cáo “tự đánh giá” và “đánh giá ngoài” buộc các trường phải tự điều chỉnh mọi hoạt động trong trường thực chất hơn, các báo cáo thành tích “ảo” đã không còn có giá trị. Các trường được kiểm định đã xây dựng và củng cố ngay hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong khá bài bản. Việc giám sát chất lượng trong các cơ sở giáo dục đại học đã trở nên thường xuyên, mang tính tự giác và tự chủ, đúng với vai trò, vị trí của một trường đại học.
Tuy nhiên, quá trình triển khai bảo đảm, kiểm định chất lượng cho thấy một số vấn đề cụ thể còn tồn tại mà các trường đại học cần tập trung cải thiện chất lượng. Đó là vấn đề về quản trị đại học, tổ chức quản lý và chương trình đào tạo. Bởi có nhiều trường chưa thực hiện việc định kỳ đánh giá chương trình đào tạo và thực hiện cải tiến chất lượng dựa trên kết quả đánh giá. Thực tế tại các trường đã kiểm định cho thấy: Có 15,4% số trường chưa thiết kế chương trình đào tạo đúng theo quy định; 44% chưa thật sự chú trọng về hoạt động đào tạo, phương pháp và quy trình kiểm tra đánh giá kết quả học tập của người học; 55% chưa đáp ứng đủ số lượng giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo và nghiên cứu khoa học; tỷ lệ trung bình sinh viên/giảng viên một số ngành đào tạo còn quá cao; 78% chưa đáp ứng tiêu chí yêu cầu về chuyển giao khoa học - công nghệ; 66% chưa đáp ứng yêu cầu của tiêu chí thư viện của trường đại học; 55% chưa có đủ diện tích sử dụng đất theo quy định.
Để công tác bảo đảm, kiểm định, nâng cao chất lượng giáo dục đại học tiếp tục phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, cần hoàn thiện công tác kiểm định chất lượng giáo dục. Trong đó, cần kịp thời sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp quy về bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục như: Thống nhất tổ chức, hoạt động đánh giá và các thước đo giữa các trung tâm kiểm định; quy định và hướng dẫn xây dựng và vận hành hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong của các cơ sở giáo dục; danh mục các tổ chức kiểm định quốc tế được Việt Nam công nhận. Nghiên cứu xây dựng mô hình hệ thống bảo đảm, kiểm định giáo dục của Việt Nam phù hợp thực tiễn trong nước và quốc tế hơn…
Đối với các trung tâm kiểm định cần tổ chức đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm định viên mang tính chuyên nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu và kế hoạch sử dụng đội ngũ kiểm định viên một cách hợp lý; mở rộng hợp tác với các mạng lưới bảo đảm và kiểm định chất lượng quốc tế. Đối với các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng tổ chức bảo đảm chất lượng không chỉ ở cấp trường mà còn có cán bộ kiểm định viên ở cấp khoa, phòng, ban. Cần có cơ chế tài chính hợp lý cho các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục để duy trì hoạt động và phát triển.
Có thể nói, trong 15 năm qua, nhất là trong 5 năm gần đây, một trong những chuyển biến mạnh mẽ, có chiều sâu, thực chất, hiệu quả của giáo dục đại học nước ta là công tác bảo đảm, kiểm định chất lượng được triển khai rộng rãi. So với nhiều nước, hoạt động bảo đảm, kiểm định chất lượng ở Việt Nam là một lĩnh vực hoạt động còn khá mới. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của toàn ngành giáo dục, quyết tâm đổi mới tư duy và hành động đã vượt qua nhiều khó khăn, rào cản để hoàn thiện được khá đầy đủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và triển khai kiểm định được khoảng 50% cơ sở giáo dục đại học và nhiều chương trình đào tạo có kết quả đáng tin cậy. Đó là những tiền đề quan trọng cho những bước phát triển mới trong hoạt động bảo đảm, kiểm định chất lượng giáo dục đại học nước ta hội nhập quốc tế.
NGND, GS, TSKH BÀNH TIẾN LONG
Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Giáo dục và Đào tạo