Thực hiện Nghị quyết 29- NQ/T.Ư, Luật Giáo dục và Nghị quyết 44-NQ/CP, Bộ GD-ĐT đã xây dựng phương án đổi mới thi THPT và xác định đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá kết quả GD-ĐT là khâu đột phá góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT. Lựa chọn này xuất phát từ việc thực hiện đổi mới thi, kiểm tra và đánh giá sẽ có tác động lớn tới việc đổi mới phương pháp dạy và học. Bên cạnh đó, việc thi cử tại thời điểm trước năm 2015 còn rất nặng nề, mỗi năm phải tổ chức nhiều kỳ thi, nhiều đợt thi liên tiếp trong khoảng thời gian hơn một tháng cho cùng một đối tượng thí sinh học xong chương trình THPT. Học sinh các tỉnh xa phải lên Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn để dự thi rất vất vả, áp lực, tốn kém thời gian, công sức, tiền bạc của thí sinh, phụ huynh và toàn xã hội.
Bộ GD-ĐT đã xây dựng phương án đổi mới thi với mục tiêu khắc phục các bất cập nêu trên, bảo đảm trung thực, khách quan, giảm áp lực, giảm chi phí đối với thí sinh, gia đình, xã hội. Mục đích của kỳ thi THPT quốc gia là đo lường, đánh giá kết quả học tập của học sinh 12 năm học phổ thông để vừa đáp ứng yêu cầu giảm áp lực và tốn kém cho xã hội, vừa bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh. Theo đó, kết quả thi bảo đảm chính xác, khách quan và có độ phân hóa để: Xét công nhận tốt nghiệp THPT; Cung cấp thông tin để đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông từ đó điều chỉnh quá trình dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong các trường phổ thông; Cung cấp dữ liệu làm cơ sở để tuyển sinh ĐH, CĐ.
Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã kế thừa được những ưu điểm và kết quả đạt được, khắc phục những bất cập của các kỳ thi trước đó, bảo đảm tính liên tục của lộ trình đổi mới thi, không gây xáo trộn cho giáo viên và học sinh, phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới .
Tuy nhiên, một tồn tại cần khắc phục đó là phần mềm chấm thi trắc nghiệm tuy đã được cập nhật và hoàn chỉnh nhưng vẫn còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi. Trên thực tế, đã xảy ra tiêu cực và gian lận có tổ chức trong chấm thi tại Hội đồng thi của một số địa phương.
Tích cực rà soát quy trình kỹ thuật
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã tổ chức sơ kết, đánh giá việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng 2018 nhằm phát huy ưu điểm của kỳ thi trong những năm qua và tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi trong những năm tới. Đồng thời, Bộ GD-ĐT đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tập thể và cá nhân có liên quan đến sai phạm trong khâu chấm thi ở một số địa phương.
Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tiếp tục thực hiện trong năm 2019 và các năm tiếp theo với những điều chỉnh kỹ thuật trên cơ sở rút kinh nghiệm công tác tổ chức thi và tuyển sinh năm 2018, nhất là khâu chấm thi, cho đến khi áp dụng đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông mới.
Việc rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi; sửa đổi, bổ sung quy chế thi, quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, các trường đại học, các cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi và chế tài xử lý đối với các đối tượng tham gia kỳ thi được coi trọng. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia, bảo đảm tính phân hóa hợp lý để đánh giá học lực của học sinh. Khắc phục việc nội dung đề thi có một số câu quá khó, bảo đảm đề thi phù hợp hơn với tính chất của kỳ thi THPT quốc gia và thời gian làm bài của thí sinh. Bộ GD-ĐT sớm công bố đề thi tham khảo để giáo viên và học sinh làm quen với dạng đề trong quá trình dạy học lớp 12 năm học 2018-2019 và ôn thi THPT quốc gia năm 2019.
Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT chỉ đạo cần cải tiến phương thức tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan, trung thực của kết quả thi. Theo đó, sẽ tổ chức chấm theo cụm, đảm bảo nguyên tắc cán bộ chấm thi không chấm bài thi của thí sinh tỉnh mình. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi cho các đối tượng tham gia kỳ thi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi của quy trình tổ chức thi.
KHÁNH HƯNG