Tại cuộc thi KH, KT cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2017-2018, tỉnh Phú Thọ có ba dự án dự thi đoạt giải, gồm: Hai giải nhì và một giải ba. Trong đó, dự án “Các giải pháp cải thiện gánh nặng chăm sóc và chất lượng cuộc sống cho người nhà nạn nhân đi-ô-xin” (đoạt giải nhì) được đánh giá đã tác động và có sức lan tỏa mạnh trong cuộc sống. Đây là dự án nghiên cứu của các học sinh: Nguyễn Ngọc Linh và Phạm Mạnh Cường, lớp 11, Trường THPT chuyên Hùng Vương nay là học sinh lớp 12.
Theo nhóm nghiên cứu, hiện chưa có công trình nào đặt vấn đề nghiên cứu các giải pháp cải thiện gánh nặng cho người nhà nạn nhân đi-ô-xin. Vì vậy, những người chăm sóc nạn nhân đi-ô-xin thường bị căng thẳng và giảm sút chất lượng cuộc sống; có nguy cơ cao đối với gánh nặng, sang chấn tâm lý cũng như những vấn đề khác về sức khỏe.
Học sinh Nguyễn Ngọc Linh, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết: Chứng kiến không ít người nhà nạn nhân đi-ô-xin hằng ngày phải chịu gánh nặng về nhiều mặt, chúng em không ngừng trăn trở về việc tìm ra những biện pháp để giúp họ giảm nhẹ gánh nặng chăm sóc, nâng cao chất lượng cuộc sống. Thực hiện dự án này, chúng em hy vọng có thể đề xuất các giải pháp đem lại hiệu quả cao trong việc cải thiện gánh nặng chăm sóc, chất lượng cuộc sống cho những người chăm sóc nạn nhân đi-ô-xin và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Dự án nghiên cứu tập trung vào những hình thức can thiệp không dùng thuốc với các nhóm giải pháp cụ thể như: Nâng cao sức khỏe của nạn nhân đi-ô-xin, dự phòng stress cho người nhà nạn nhân, nâng cao kỹ năng chăm sóc cho người nhà nạn nhân... Nhóm nghiên cứu sử dụng bảng câu hỏi phỏng vấn rút gọn đánh giá chất lượng cuộc sống của Tổ chức Y tế thế giới bao gồm 26 câu hỏi từ Q1 đến Q26 đánh giá mức độ hài lòng và thoải mái của người nhà nạn nhân về các lĩnh vực sức khỏe thể chất, sức khỏe tâm thần với số lượng người nhà nạn nhân tham gia nghiên cứu là 426 người ở sáu huyện, thành phố. Trong đó, một phần tư số người chăm sóc nạn nhân đi-ô-xin đã hơn 65 tuổi, độ tuổi thường đã được nghỉ ngơi, được người khác chăm sóc nhưng thực tế lại gặp nhiều khó khăn, vất vả. Từ việc nghiên cứu thực trạng gánh nặng chăm sóc, chất lượng cuộc sống của người nhà nạn nhân đi-ô-xin, nhóm nghiên cứu cho rằng, bên cạnh việc đưa ra các chính sách, hỗ trợ cho nạn nhân cần quan tâm, hỗ trợ cho cả người nhà nạn nhân. Nhất là trang bị kiến thức, kỹ năng cho người chăm sóc kết hợp các bài tập thư giãn, tập dưỡng sinh, tập yoga… để người nhà nạn nhân nâng cao sức khỏe, dự phòng stress.
Thầy giáo Cù Huy Quảng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương, người trực tiếp hướng dẫn nhóm nghiên cứu chia sẻ, hiện nay, phong trào nghiên cứu KH, KT của học sinh diễn ra sôi nổi, đa dạng ở nhiều lĩnh vực và có chiều sâu. Với sự nhiệt tình, kinh nghiệm của các giáo viên hướng dẫn và sự đam mê, tìm tòi, học hỏi, vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn của học sinh, hằng năm nhà trường luôn có các dự án xuất sắc, có hàm lượng khoa học cao và rất gần gũi với lứa tuổi học trò, có tác động tích cực đối với xã hội. Dự án nghiên cứu của hai học sinh Nguyễn Ngọc Linh và Phạm Mạnh Cường có ý nghĩa thiết thực với mong muốn các thế hệ trẻ của địa phương, đất nước sẽ quan tâm nhiều hơn các vấn đề của xã hội, đến những con người có hoàn cảnh khó khăn và cần sự giúp đỡ của cả cộng đồng. Đây là công trình nghiên cứu khoa học công phu, bài bản, có ý nghĩa khoa học và ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giúp cộng đồng thấu hiểu, thông cảm, sẻ chia và cùng chung tay giúp đỡ các nạn nhân và người thân của họ có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
LONG THÀNH và THẢO TIÊN