Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

Ngày đầu đưa con vào lớp 1, Trường tiểu học Quan Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), vợ chồng anh Nguyễn Văn Bằng bất ngờ khi biết sĩ số lên đến 67 học sinh/lớp. Anh Bằng lo lắng với sĩ số đông như vậy sẽ khó bảo đảm chất lượng dạy và học, nhất là đối với những học sinh lớp 1. Chị Phạm Bích Hảo, có con năm nay vào lớp 1 tại một trường tiểu học công lập thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Với thời lượng 35 phút/tiết, trong khi sĩ số 65 học sinh/lớp, để giữ trật tự thôi giáo viên đã rất vất vả.

Thực tế tại nhiều trường ở TP Hà Nội, có sĩ số 55 đến 60 học sinh/lớp, cá biệt lên tới gần 70 học sinh/lớp. Hiệu trưởng Trường tiểu học Dịch Vọng B (quận Cầu Giấy) Ðỗ Thị Mai cho biết: Trường có chín lớp 1, sĩ số từ 60 đến 65, do đó có lớp phải ghép hai bàn thành một để cho năm học sinh ngồi và được nhà trường bố trí hai giáo viên giảng dạy. Do sĩ số lớp đông cho nên nhà trường phải tập huấn, trang bị cho giáo viên kiến thức để làm sao đạt hiệu quả cao nhất.

Trước sức ép tăng dân số cơ học, các khu chung cư không dành quỹ đất để xây trường học dẫn đến không ít trường đang quá tải. Trưởng Phòng GD và ÐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh cho biết: Năm nào sĩ số học sinh/ lớp của quận cũng đông, riêng năm nay thì đông hơn do tăng dân số cơ học; trong khi nhiều khu đô thị, chung cư mọc lên, có những khu không dành quỹ đất cho trường học. Vì vậy, các cơ quan chức năng đã đưa ra một số giải pháp như điều tiết các tuyến, xây dựng thêm trường học và tăng giáo viên để hỗ trợ giáo viên đứng lớp. Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Ðình Giót (quận Thanh Xuân) Nguyễn Thị Kim Ngọc cho biết: Mấy năm trước, nhà trường đã cơi nới thêm phòng học để giải quyết tình trạng quá tải. Tuy nhiên, do sĩ số vào lớp 1 năm nay tăng thêm 90 học sinh so với năm học trước, trường phải cải tạo văn phòng làm lớp học, trung bình mỗi lớp vẫn là 56 học sinh. Năm học 2018-2019, quận Thanh Xuân đã xây dựng thêm một trường tiểu học tại phường Thanh Xuân Bắc để tách 15 lớp của Trường tiểu học Ðặng Trần Côn sang, giúp sĩ số học sinh/lớp giảm đáng kể. Quận Nam Từ Liêm đã dành quỹ đất để thành lập thêm sáu trường công lập, trong đó có một trường mầm non, một trường tiểu học và bốn trường THCS.

Theo báo cáo của Sở GD và ÐT Hà Nội, năm học 2018-2019, toàn thành phố có khoảng 130 nghìn học sinh lớp 1, tăng 30 nghìn em so với năm học 2017-2018. Mặc dù trong quy hoạch các khu đô thị mới đều được phê duyệt vị trí xây trường mầm non, tiểu học, THCS, các hộ dân đã chuyển đến ở nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có trường được xây thêm dẫn đến hiện tượng quá tải tại các trường học hiện có. Tốc độ phát triển các khu đô thị mới, các khu chung cư với hàng nghìn hộ dân tại các quận như Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Ðông... rất cao (có những khu đô thị số lượng dân cư tương đương với số dân của một phường), trong khi tiến độ xây trường lại chậm. Nhiều khu đô thị mới chỉ tập trung xây dựng trường tư thục mà chưa quan tâm xây dựng trường công lập dẫn đến nhu cầu và áp lực được học tập tại các trường công lập tăng cao. Ðiển hình đến tháng 4-2017, Khu đô thị Mỹ Ðình 2 thuộc phường Mỹ Ðình 2, quận Nam Từ Liêm không có trường mầm non công lập, có 10 trường mầm non tư thục với 1.467 trẻ. Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính có sáu trường tư thục (hai trường mầm non, hai trường tiểu học, hai trường THCS) không có trường công lập. Khu đô thị Bắc Linh Ðàm mới có bốn trường (ba trường mầm non, một trường tiểu học) tư thục hoạt động, thiếu trường học công lập.

Theo Phó Giám đốc Sở GD và ÐT Hà Nội Phạm Xuân Tiến, năm học 2018-2019, Sở chỉ đạo các phòng GD và ÐT quận, huyện, thị xã tập trung tham mưu chính quyền địa phương có kế hoạch đầu tư mở rộng mạng lưới trường, lớp và tăng cường mua sắm trang, thiết bị dạy học. Bên cạnh đó, Sở GD và ÐT Hà Nội kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các địa phương, nhất là với các quận nội thành, khu đô thị và các khu chung cư tăng cường quỹ đất, đầu tư xây dựng thêm phòng học để giảm sĩ số học sinh/lớp. Trước mắt, khi sĩ số học sinh trên lớp tăng cao, các trường tận dụng toàn bộ cơ sở vật chất để chia lớp, làm các phòng học. Với những lớp có hơn 60 học sinh, các trường cần bố trí tăng thêm giáo viên để quản lý và giảng dạy.

Cục trưởng Cơ sở vật chất và thiết bị trường học (Bộ GD và ÐT) Phạm Hùng Anh cho biết: Bộ GD và ÐT có văn bản đề nghị các địa phương thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó bảo đảm quỹ đất để xây dựng các cơ sở giáo dục phù hợp quy hoạch mạng lưới trường, lớp học, bảo đảm hiệu quả đầu tư lâu dài. Ðồng thời, ưu tiên quỹ đất để xây dựng trường học khi di chuyển thu hồi các kho bãi, khu đất bị bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả; bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu tái định cư, khu vực đông dân cư để xây dựng trường học; ưu đãi về chính sách đất đai để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục theo các quy định của Nhà nước. Ðể giải quyết tình trạng thiếu đất, các trường có thể xây dựng cao tầng hơn so với bình thường. Tuy nhiên, việc bố trí phòng học phải bảo đảm đúng quy định như ở bậc tiểu học, học sinh chỉ học ở tầng một, hai, còn lại tầng ba cần bố trí khu làm việc của ban giám hiệu, giáo viên văn phòng… nhằm bảo đảm an toàn, thuận lợi trong thoát hiểm cho học sinh khi gặp sự cố.

QUỲNH NGUYỄN

Web designed on www.saco.vn

Top