Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

Vụ việc 42 người dân tại xã Kim Thượng (Tân Sơn, Phú Thọ) nhiễm HIV gây sự hoang mang vì tỷ lệ nhiễm H tại đây cao gấp 2,5 lần trung bình cả nước. Trong số 42 trường hợp mắc đã có bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS. Trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại xã Kim Thượng được phát hiện năm 2012. Từ 2015 đến nay đã có 5 người tử vong do AIDS.

Việc tìm ra nguyên nhân phải mất hàng tháng trời, vì thế, hiện nay nguồn lây nhiễm HIV tại đây như thế nào vẫn là câu hỏi lớn. Nguyên nhân được nghi ngờ ban đầu do dùng chung kim tiêm tại một cơ sở y tế tư nhân ở xã này đã được Bộ Y tế kết luận chưa có cơ sở khoa học để khẳng định.

Những hiểu biết sai lầm về nguy cơ lây nhiễm H

Theo các chuyên gia truyền nhiễm, hiện nay, HIV lây truyền từ người này sang người khác thông qua các hành vi không an toàn như tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch sinh dục và sữa của mẹ. Do vậy nếu mọi người có hiểu biết đúng và đầy đủ có thể phòng không bị lây nhiễm HIV.

Bs Nguyễn Trung Cấp cũng cho biết, theo CDC của Hoa Kỳ, nguy cơ lây HIV qua các hành vi như: Quan hệ tình dục thông thường: nam lây sang nữ tỷ lệ 8/10.000, nữ lây sang nam 4/10.000 (nếu bạo dâm gây tổn thương chảy máu thì nguy cơ sẽ cao hơn). Quan hệ đồng giới hoặc quan hệ qua hậu môn 183/10.000. Dùng chung kim tiêm 63/10.000. Điều đó có nghĩa là cứ 10.000 người tiêm chung kim tiêm với bệnh nhân HIV thì có 63 người bị lây.

Về nguy cơ lây nhiễm do dùng chung bơm kim tiêm, xác suất lây khi dùng chung kim tiêm có tỷ lệ rất thấp, khoảng 3/1.000, tức là 1.000 lần dùng chung mới có xác suất lây trong 3 lần. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện 09 (Hà Nội) cho biết, khi vô tình bị kim tiêm của người bị HIV đâm vào cơ thể, nếu đầu mũi tiêm không có máu, bạn sẽ không có khả năng lây bệnh. Vì thế, thông tin về y sĩ dùng chung một kim tiêm để tiêm cho người dân trong nhiều tuần, nhiều tháng liền khiến lây truyền HIV tại Kim Sơn, Phú Thọ được các chuyên gia truyền nhiễm đánh giá là hoàn toàn không có cơ sở khoa học.

Hiện nay, tỷ lệ lây H qua con đường quan hệ tình dục được đánh giá thấp nhất, nhưng do tần suất quan hệ tình dục của con người cao, khả năng nhân bệnh lớn nên trở thành nguy cơ được đưa lên hàng đầu. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào quan hệ tình dục cũng lây nhiễm HIV. Những trường hợp quan hệ thô bạo làm rách thành âm đạo gây chảy máu, hoặc tổn thương niêm mạc của dương vật mới nhưng phải ở mức độ sâu mới có thể lây bệnh sang đối phương.

Về khả năng lây nhiễm từ mẹ sang con, BS Hưng phân tích “Việc lây từ mẹ sang con chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Vì bánh nhau thai luôn có ba màng lọc, những màng siêu lọc này sẽ lọc ngăn những tế bào HIV nên chúng rất khó chuyển sang người con. Việc lây nhiễm thường diễn ra trong lúc chuyển dạ đẻ, khi độ mở của bộ phận sinh dục người mẹ thấp, gây rách tầng sinh môn, chảy máu, trong quá trình đưa con đi ra, nếu có xây xước, khi tiếp xúc với máu mẹ sẽ nhiễm bệnh. Nếu đứa con không bị xây xước, chúng sẽ an toàn”.

Điều trị thuốc ARV, người nhiễm HIV khỏe mạnh tới cuối đời

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết đối với bệnh nhân HIV được điều trị thuốc ARV hàng ngày theo chỉ định, đạt được và duy trì tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện sẽ thực sự không có nguy cơ làm lây truyền HIV sang đối tác, kể cả khi không dùng bao cao su hoặc bất cứ biện pháp an toàn nào.

Ở Việt Nam, 91,5% số người điều trị đều có tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện, tức không có khả năng lây nhiễm sang bạn tình khi quan hệ tình dục. “Nếu một người nhiễm HIV mà được điều trị bằng thuốc ARV sớm và tuân thủ điều trị thì vẫn có thể sống khỏe mạnh và có tuổi thọ tương đương người không nhiễm HIV. Việc điều trị ARV sẽ giúp giảm tải lượng virus HIV trong máu và có thể giảm đến 95% khả năng lây nhiễm HIV cho vợ hay bạn tình qua quan hệ tình dục”, ông Long nói.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai cho hay, khi dương tính với HIV, bệnh nhân vẫn có thể sống 5-10 năm nếu không được điều trị, còn khi được điều trị ARV, họ có thể sống đến cuối đời và ra đi vì các căn bệnh tuổi già chứ không phải do HIV.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng cho rằng, đã đến lúc xã hội cần thay đổi nhận thức về căn bệnh này, ngoại trừ những trường hợp mắc bệnh nhưng không tuân thủ điều trị, sống cuộc sống không lành mạnh khiến diễn biến bệnh xấu đi nhanh chóng, những bệnh nhân H được điều trị hoàn toàn có thể sống đến cuối đời với tuổi thọ rất cao.

“Thực chất bệnh nhân có H không mang án tử cận kề như các trường hợp mắc các căn bệnh khác phổ biến hiện nay như ung thư, tiểu đường, cao huyết áp...”, bác sĩ Hưng nhấn mạnh.

Làm gì khi nghi nhiễm HIV

Nguy cơ bị phơi nhiễm HIV có thể xảy ra trong nhiều trường hợp. Năm 2017, trong vụ tai nạn thảm khốc tại Kon Tum, đã có 36 người nghi phơi nhiễm HIV do cấp cứu nạn nhân nhiễm HIV; năm 2018, tám chiến sĩ công an tại Hưng Yên nghi phơi nhiễm do truy bắt tội phạm…

PGS. TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, nếu chẳng may bơm kim tiêm có nghi ngờ phơi nhiễm HIV thì người dân cần bình tĩnh, rửa vết thương dưới vòi nước, để nguyên máu chảy, không nặn. Với vết thương hở lớn cần cầm máu, đến cơ sở y tế để được uống thuốc dự phòng lây nhiễm tốt nhất trong vòng 6 giờ đầu (hoặc trong vòng 72 giờ) sẽ có hiệu quả ngăn chặn virus qua da vào máu. Sau 1 tháng cần đánh giá lại, và sau 3 tháng kiểm tra để xác định chính xác có dương tính với HIV không.

Với nhân viên y tế, người làm nhiệm vụ như công an truy bắt tội phạm nếu có máu bắn vào mắt, da, niêm mạc cần uống thuốc kháng virus trong vòng 28 ngày để bảo đảm virus không nhân lên…. Phụ nữ nhiễm HIV khi mang thai cũng được khuyến cáo dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Để phòng bệnh HIV, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch cơ thể và dịch sinh dục là nguyên tắc chủ đạo trong dự phòng lây nhiễm HIV. Khi phải tiếp xúc với máu, dịch tiết hoặc dịch sinh dục, cần áp dụng các biện pháp dự phòng như sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, sử dụng vật ngăn cách như kính bảo hộ, găng tay, áo choàng khi chăm sóc, ngâm tất cả các đồ dùng có dính máu, dịch cơ thể trong dung dịch nước sát trùng trước khi xử lý là các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV có hiệu quả.

Nếu đã nhiễm H, người bệnh cần chủ động hạn chế bớt một số hoạt động hoặc áp dụng các biện pháp phòng ngừa để không làm lây nhiễm HIV/AIDS cho người khác. “Khi có quan hệ tình dục phải dùng bao cao su và đặc biệt không nên có con. Bạn nên đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe, tránh bị cảm cúm hay các bệnh thông thường khác có thể làm cơ thể suy yếu. định kỳ bạn nên đi khám sức khỏe, tham khảo ý kiến của bác sỹ để được chỉ dẫn một số loại thuốc, ví dụ AZT ( Zidovudine), DDI ( Didanosin), Lamivudine, Indinaviz có tác dụng làm chậm quá trình phát triển của virus HIV”, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS khuyến nghị.

Web designed on www.saco.vn

Top