Giữa năm 2017, tỉnh Bình Định để xảy ra vụ phá rừng quy mô lớn, chủ mưu là Lê Văn Thiệt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư - Kinh doanh tổng hợp Thương Thảo, có trụ sở tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông này được xác định là chủ mưu trong vụ chặt phá gần 61 ha rừng ở khoảnh 7, khoảnh 8, tiểu khu 1, xã An Hưng, huyện An Lão.
Gần đây, 23 cây dổi cổ thụ (hơn 100 m3 gỗ) của vùng rừng nguyên sinh xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh lại bị triệt hạ. Liên quan đến vụ khai thác trái phép rừng phòng hộ với quy mô lớn ở tiểu khu 142 và 145, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định, chiều 31-1, Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh đã khởi tố vụ án hình sự.
Câu hỏi đặt ra là vì sao rừng phòng hộ bị lâm tặc ngang nhiên dựng lán trại, tàn phá rừng trong một thời gian dài mà không bị phát hiện sớm.
Người dân sống ở dưới chân núi Koi Roi cho biết, việc phá rừng diễn ra từ lâu. Cứ khoảng 10 ngày lâm tặc lại cho xe tải đến chân núi Koi Roi chở gỗ về xuôi. Điều đáng nói, muốn vận chuyển gỗ từ xã Vĩnh Sơn về thị trấn Vĩnh Thạnh chỉ có một con đường độc đạo, có chốt chặn nhưng gỗ lậu "vẫn lọt".
Theo ông Đặng Bá Quang, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vĩnh Thạnh, Bình Định: “Lực lượng kiểm lâm cũng như lực lượng bảo vệ rừng còn rất mỏng so với yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn. Hơn nữa, các đối tượng vi phạm rất manh động và dùng rất nhiều thủ đoạn để thực hiện hành vi. Gỗ lậu có thể đã được ngụy trang, che giấu bằng vỏ bọc gỗ rừng trồng. Các trạm kiểm soát không được phép tùy tiện dừng phương tiện, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm rõ ràng. Số cây cổ thụ bị triệt hạ phần lớn đều mới thực hiện, toàn bộ gỗ rừng bị đốn hạ vẫn còn nguyên tại rừng, chưa được vận chuyển ra khỏi rừng. Một thực tế, người dân rất sợ lâm tặc nên khi có phá rừng thì không báo, đến khi phá xong rồi mới báo và không cho biết cụ thể vùng rừng bị phá khiến chúng tôi rất khó truy bắt".
Do vậy, khi đề cập đến nguyên nhân của vụ khai thác trái phép hơn 107 m3 gỗ trong rừng phòng hộ thì cả Kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ và lãnh đạo UBND huyện cũng đều nêu ra khó khăn thiếu nhân lực, thiếu kinh phí và rừng bị phá ở những chỗ không ngờ đến.
Tuy vậy, theo tìm hiểu từ phía người dân, trước đó, lâm tặc có sử dụng xe ô-tô để chở gỗ ra khỏi rừng. Bằng chứng mới đây nhất, trước Tết Mậu Tuất, người dân ở gần khu vực rừng dổi bị phá đã đứng ra chặn xe gỗ lâm tặc vì chở gỗ phá hàng rào, đi qua rẫy trồng keo lá tràm của họ. Những người dân bản địa cho biết, lâm tặc sử dụng cưa độ chế để phá rừng không phát ra âm thanh. Chúng tôi nghe thấy tiếng cây cổ thụ ngã đổ rầm rầm trên rừng.
Ngoài ra, theo điều tra của phóng viên, lực lượng chức năng đã bỏ sót, kiểm kê thiếu gỗ rừng bị đốn hạ. Nhiều cây gỗ rừng đường kính lớn không được lực lượng chức năng đánh dấu, ghi số, kiểm kê?!
Ông Trần Phước Phi, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh, Bình Định cho biết: “Các điểm nóng trước đây diện tích rừng bị phá thường là vùng diện tích bằng, rừng giàu. Còn đây là một vùng rất sâu, xa nên không có chốt, cũng không ai nghĩ lâm tặc lên phá rừng trên đó”.
Cũng theo ông Phi, Ban Quản lý rừng phòng hộ được giao quản lý 35 nghìn ha rừng mà chỉ có 15 người, theo quy định thiếu 25 người. Vì thiếu kinh phí và thiếu nhân lực trầm trọng nên việc quản lý một số diện tích rừng gần như bỏ ngỏ, việc mất rừng là không tránh khỏi. Trong khi đó lực lượng kiểm lâm huyện này cũng nói đang thiếu đến 17 người. Nhận thấy cấp thiết trên, trước đó chúng tôi đã đề xuất xây dựng thêm năm chốt trực và mới được Thường trực Huyện ủy đồng ý. Tuy nhiên chưa kịp triển khai thì xảy ra việc này.
Trước đó, Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) huyện Vĩnh Thạnh đã có đề xuất UBND tỉnh cấp sổ đỏ để quản lý, bảo vệ 10 nghìn ha rừng phòng hộ trên. Nhưng do không có kinh phí để đo đạc, thống kê hiện trạng rừng nên UBND tỉnh chưa giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rừng để tổ chức quản lý bảo vệ.
Về việc này, đồng chí Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: “Cái khó trong công tác bảo vệ rừng của Bình Định hiện nay là diện tích rừng lớn, trải rộng, địa hình hiểm trở… nhưng nhân lực rất mỏng và nguồn lực thiếu. Theo quy định của Nhà nước, hiện nay tỉnh còn thiếu hàng trăm cán bộ kiểm lâm, và cán bộ nhân viên của Ban QLRPH. Tuy vậy công tác bảo vệ rừng luôn được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Để ngăn chặn việc phá rừng, tỉnh một mặt tiếp tục đề nghị T.Ư giải quyết đủ biên chế cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và các chế độ theo quy định hiện hành. Mặt khác, tăng cường củng cố kiện toàn bộ máy. Kiên quyết xử lý việc bao che, thông đồng tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Về vụ việc phá rừng gần đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng quyết liệt truy lùng thủ phạm để sớm đưa ra xét xử nghiêm để răn đe”.
Điều đáng lo ngại hơn là diện tích rừng bị phá nằm trong số 10 nghìn ha rừng phòng hộ UBND huyện Vĩnh Thạnh mới chỉ tạm giao cho Ban QLRPH Vĩnh Thạnh bảo vệ, chưa cấp sổ đỏ cho đơn vị nào quản lý. Xét về tính pháp lý thì số diện tích này vẫn đang vô chủ, nguy cơ tiếp tục bị tàn phá rất lớn. Và điệp khúc thiếu nhân lực, địa bàn rộng, phức tạp được lặp đi lặp lại khi xảy ra các vụ phá rừng.
Bài, ảnh: CÁT HÙNG - LINH SƠN