Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

Nghe phụ huynh kháo nhau có một giáo viên dạy toán rất giỏi, chị Nguyễn Tuyết Lan ở Đông Anh (Hà Nội) có con năm nay vào lớp 6, chờ bên ngoài lớp học thêm để xin học cho con. Cô giáo này đã tổ chức một buổi kiểm tra khảo sát, sau đó chỉ chọn những bạn có học lực tốt để dạy thêm. Con chị Lan cũng làm bài kiểm tra, sau đó cô đánh giá là làm bài chậm hơn các bạn, đồng nghĩa với việc con không được nhận vào lớp. Vậy mà tuần nào cũng có vài phụ huynh đến nài nỉ cô mở lớp cho những bạn học lực không bằng những bạn giỏi kia.

Không chỉ tìm giáo viên dạy có tiếng để xin cho con một chỗ trong lớp học thêm, rất nhiều phụ huynh còn có tâm lý chọn trường, chọn lớp, chọn cả thầy, cô giáo. Cứ suy nghĩ theo cách “cấp một chọn thầy cô, cấp hai chọn lớp, cấp ba chọn trường” cho nên ngay từ tháng 2, chị Nguyễn Hương Ly ở quận Long Biên (Hà Nội) có con năm nay vào lớp 1 đúng tuyến đã sốt sắng tìm giáo viên “có tiếng” để xin cho con vào lớp. Tuy nhiên, do không có thông tin về đội ngũ giáo viên của trường cho nên chị tìm hiểu bằng cách ngồi quán nước ở cổng trường và được “mách” là có cô kia dạy giỏi ở khối lớp 1. Ngay sau khi có thông tin về cô giáo, chị đã tìm mọi mối quan hệ để được “xếp chỗ” vào lớp của cô. Chị Ly còn tìm lớp cô đang dạy thêm để “gửi gắm” và nhờ cô kèm cặp để sau này vào lớp 1 con không bỡ ngỡ. Trường hợp gia đình anh Nguyễn Tuấn Khang ở quận Ba Đình (Hà Nội), thay vì cho con học trường tiểu học đúng tuyến, cơ sở vật chất khang trang, sĩ số học sinh/lớp không quá đông và tiện đưa đón, gia đình anh vẫn “chạy đôn, chạy đáo”, tìm đủ mọi cách để cho con vào một trường khác phường, khác quận có “thương hiệu” cách nhà gần 6 km với sĩ số 60 - 70 học sinh/lớp.

Có thể thấy, việc chọn trường, chọn lớp, chọn giáo viên dạy giỏi là tâm lý chung của các bậc phụ huynh. Đây là nguyện vọng chính đáng, nhưng theo các chuyên gia giáo dục, trong một lớp học, sĩ số quá đông sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và gây khó khăn trong công tác giảng dạy. Chưa kể, bản thân phụ huynh chưa biết chất lượng giảng dạy của ngôi trường và giáo viên mình chọn có thật sự tốt hay không mà đã đổ xô, tìm mọi cách để cho con theo học dẫn đến hiện tượng tiêu cực, chạy trường, chạy lớp… Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Nếu không tốt mà phụ huynh cứ theo xu hướng ào ào để đăng ký cho con em mình, tốn tiền mà không đạt được lợi ích gì. Bên cạnh đó, “thương hiệu” của những trường này thường được phụ huynh truyền tai nhau, thực tế không chỉ những trường tên tuổi mới có giáo viên dạy giỏi. Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thị Kim Hải lý giải nguyên nhân phụ huynh có tâm lý chạy trường, chọn lớp là bởi phụ huynh luôn muốn con em mình được học ở môi trường giáo dục tốt nhất. Nhưng vấn đề đặt ra là trường lớp, giáo viên mà phụ huynh chọn chưa chắc đã thật sự chất lượng và không phải cứ vào được trường tốt thì mọi học sinh đều học giỏi. Do đó, phụ huynh hãy luôn lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ để hiểu được con mình cần gì, thiếu gì và yếu gì để tạo môi trường giáo dục tốt nhất cho các cháu.

Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: Số đông phụ huynh quan niệm học trường tốt con đương nhiên sẽ học tốt, đó là suy nghĩ sai lầm. Điều căn cốt vẫn xuất phát từ sự nỗ lực của bản thân học sinh. Rất nhiều học sinh đỗ thủ khoa mà không xuất thân từ một trường danh tiếng. Bên cạnh đó, tố chất, năng lực của con là căn cứ thiết yếu để chọn môi trường học tập phù hợp bởi mỗi trường đều có thế mạnh cũng như hạn chế riêng. Nếu chọn trường phù hợp năng lực sẽ giúp trẻ hào hứng, phấn khởi, tự tin vươn lên trong học tập, còn nếu chọn không phù hợp, quá sức sẽ cản trở, khó khăn, làm chậm quá trình phát triển.

QUỲNH NGUYỄN, THÙY DƯƠNG

Web designed on www.saco.vn

Top