Đầu năm 2018, Bộ Y tế lựa chọn thí điểm một số địa phương gồm Phú Thọ, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Nam Định và đã tổ chức các Đoàn công tác do Lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì làm việc với UBND các tỉnh này về việc triển khai dự án ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối nhà thuốc; đồng thời đánh giá thực trạng, tháo gỡ các vướng mắc khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai tại các địa phương.
Qua thời gian thí điểm, toàn bộ các nhà thuốc, các tủ thuốc tại trạm y tế xã các tỉnh thí điểm đã được tập huấn. Việc thực hiện sử dụng phần mềm ứng dụng CNTT kết nối liên thông nhà thuốc tại các cơ sở thí điểm đã duy trì cập nhật thường xuyên; bảo đảm đúng tiến độ đến 15-7-2018 triển khai ứng dụng CNTT kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc trên toàn bộ các nhà thuốc và tủ thuốc tại bốn tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Nam Định.
Để đề án có những bước vững chắc trong giai đoạn tiếp theo, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đề nghị, đối với bốn tỉnh đã triển khai thí điểm cần xây dựng kế hoạch chi tiết cho giai đoạn tiếp theo để bảo đảm việc duy trì sử dụng phần mềm tại các cơ sở bán lẻ cũng như tăng cường tập huấn, đào tạo, giám sát. Đối với các tỉnh có đề nghị triển khai sớm cũng cần khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai dựa trên mô hình của các tỉnh đã thí điểm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện trên toàn quốc có 41.394 cơ sở bán lẻ, trong đó 12.734 nhà thuốc tư nhân; 1.200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh; 12.425 quầy thuốc, 7.300 đại lý.
Dự án kết nối mạng toàn quốc các cơ sở cung ứng thuốc đang được đẩy mạnh triển khai và dự kiến trong năm 2018, dự án này sẽ hoàn thành, nhằm mục tiêu kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc để góp phần giám sát việc bán thuốc theo đơn, kiểm soát giá thuốc và chất lượng thuốc. Với quy định này, tất cả các cơ sở bán lẻ cũng bắt buộc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin với lộ trình cụ thể.
Theo đó, đối với nhà thuốc, đến ngày 1-1-2019 phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Đối với quầy thuốc, đến ngày 1-1-2020 phải có thiết bị và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý liên quan khi được yêu cầu. Với tủ thuốc trạm y tế xã, đến ngày 1-1-2021 phải có thiết bị và thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra.
Theo đại diện Bộ Y tế, trong giai đoạn thí điểm và giai đoạn đầu triển khai (từ tháng 7-2018 đến 7-2019), phần mềm sử dụng sẽ do Viettel hỗ trợ kỹ thuật miễn phí. Sau đó, các công ty cung cấp phần mềm khác sẽ được tự do chào bán sản phẩm để bảo đảm đa dạng hơn về tính năng nhưng vẫn phải bảo đảm đáp ứng kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, kiểm soát xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.
Bộ Y tế đang phấn đấu sẽ hoàn thành Dự án ứng dụng công nghệ thông tin kết nối nhà thuốc, trạm y tế xã trong năm 2018 và đối với các quầy thuốc, tủ thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc trên phạm vi cả nước vào năm 2019 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ.
TRẦN NGUYÊN