Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019 được các phụ huynh và học sinh đánh giá là “căng thẳng hơn thi đại học” khi lượng thí sinh năm nay tăng đột biến, hơn 18.700 em so với năm trước.

 

Theo số liệu được công bố, Hà Nội có gần 95 nghìn học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT công lập. Với 63.050 chỉ tiêu vào các trường công lập thì sẽ có khoảng 32 nghìn học sinh không có chỗ tại các trường công lập mà buộc phải theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập, trung tâm giáo dục thường xuyên…

Chính vì vậy, các thí sinh và phụ huynh bước vào kỳ thi năm nay với tâm lý căng thẳng và lo lắng.

Theo kết quả điểm thi vào lớp 10 được Sở GD-ĐT đã công bố ngày 22-6 vừa qua, mặt bằng điểm của thí sinh năm nay thấp hơn năm trước. Các phụ huynh đã tính toán dựa trên danh sách điểm của toàn bộ thí sinh được công bố, thì tỷ lệ các con đạt từ 49 điểm trở lên chỉ chiếm 31,61%.

Vì vậy, sau khi biết kết quả thi, các phụ huynh và học sinh vẫn không “nhẹ người”, mà tiếp tục đi từ lo lắng này sang lo lắng khác.

“Con tôi được 50, 51, 52 điểm… không biết có đủ có vào được trường A,B,C… không"? - "Điểm chuẩn năm nay không biết có cao hơn năm ngoái không"? - "Biết điểm xong lại càng hồi hộp” - "Cả tuần không làm được việc gì vì lo xem xét, tính toán, lên phương án tìm trường cho con"… là những câu hỏi và tâm trạng âu lo của đông đảo phụ huynh sau khi biết kết quả điểm thi của con.

Phần đông các gia đình không dám tự tin là con mình đủ điểm đỗ dù đã tham khảo rất nhiều số liệu từ chỉ tiêu tuyển sinh, điểm các năm trước, tỷ lệ các thí sinh có điểm lớn hơn hoặc bằng con mình… Ai cũng cho rằng con mình đang ở dạng mấp mé.

Nhiều gia đình trì hoãn các kế hoạch đi nghỉ, đi chơi,…sau khi đã biết điểm thi. Nhiều gia đình nuôi hy vọng con sẽ đỗ, nhưng vẫn phải tìm phương án dự phòng bằng cách giữ chỗ tại một trường ngoài công lập. Một số gia đình thì thất vọng, nháo nhác mua hồ sơ, tìm cơ hội khác cho con…

Có cha mẹ học sinh đã phải thốt lên: “Cả gia đình không thể thở nổi sau khi biết điểm và sắp… tắt thở vì chờ đợi điểm chuẩn”.

Tất cả những lo lắng, căng thẳng đó, mà phụ huynh gọi là sự “tra tấn tinh thần”, có thể được giải quyết nếu như điểm chuẩn sớm được công bố sau khi có kết quả điểm thi.

Không rõ vì lý do gì mà Sở GD-ĐT Hà Nội lại cần nhiều thời gian đến như vậy, khi tất cả dữ liệu đã có sẵn?

Sở GD-ĐT có thể giải thích rằng do bận rộn lo kỳ thi THPT quốc gia, nên chưa thể họp để quyết điểm chuẩn. Lý do đó, nếu có, chắc chắn sẽ không thể nào chấp nhận được trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.

Việc chậm công bố điểm chuẩn khiến nảy sinh nhiều đồn đoán tiêu cực. Nhiều phụ huynh băn khoăn, liệu có tình trạng chậm trễ để dễ bề chạy điểm không? Hay sự trì hoãn công bố điểm chuẩn có phải là để tạo điều kiện cho các trường dân lập dễ dàng tuyển sinh và ép các phụ huynh, học sinh hay không?

Những băn khoăn trên có thể chỉ là suy diễn của phụ huynh do sốt ruột. Nhưng cũng có những hiện tượng cần phải xem xét trên thực tế.

Chẳng hạn, Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (dân lập) thu hồ sơ của các học sinh từ ngày 26-6, và mỗi học sinh phải nộp các khoản tổng cộng là hơn sáu triệu đồng. Nếu sau khi biết điểm chuẩn công lập, học sinh nào rút hồ sơ thì sẽ không được trả lại tiền mà khoản đó sẽ nộp về… Quỹ khuyến học của Trường (?).

Hay Trường THCS&THPT Tạ Quang Bửu (dân lập), có hình thức nộp lệ phí ghi danh hai triệu đồng. Ai ghi danh sớm sẽ được “tặng” một điểm. Nếu học sinh trúng tuyển vào trường mà không học thì trường sẽ không trả lại phí ghi danh.

Trường THPT Đào Duy Từ (dân lập) ra thông báo chỉ thu hồ sơ trong sáng ngày 29-6 và sẽ thu thêm buổi chiều nếu…còn chỉ tiêu. Khi nộp hồ sơ, phụ huynh sẽ nộp kèm tiền hỗ trợ cơ sở vật chất là 1,5 triệu đồng và học phí tháng đầu là 1,8 triệu đồng.

Những cách thức tuyển sinh như vậy đẩy phụ huynh và học sinh vào thế phải… “cân não”. Nếu chờ điểm chuẩn thì có khi trường dân lập cũng không có mà học. Còn nếu chọn phương án an toàn là đăng ký trường dân lập trước thì phải chấp nhận mất tiền nếu con đỗ trường công lập sau này.

Không lẽ các nhà sư phạm không nắm được tâm lý lo lắng của học sinh và phụ huynh mỗi kỳ thi cử? Không lẽ sự thương mại hóa giáo dục lại có thể diễn ra công khai như vậy giữa Thủ đô, trong lĩnh vực đào tạo con người, một tiềm năng quan trọng của đất nước cần được đánh thức?

Hy vọng là không phải như vậy. Sở GD-ĐT Hà Nội chắc phải có lý do riêng. Đem thắc mắc của hàng trăm nghìn thí sinh và phụ huynh hỏi các quan chức của Sở GD-ĐT Hà Nội, phóng viên cũng lại lâm vào một tình trạng y như vậy: Chờ đợi và chờ đợi… vì tất cả được làm "đúng quy trình".

HÀ VY

Web designed on www.saco.vn

Top