Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

Ngày đi làm, tối về, vợ chồng anh Nguyễn Hữu An (Hoàng Mai, Hà Nội) lại học bài cùng con. Năm nay, con gái thứ hai của anh An vào lớp 1, mặc dù công việc của hai vợ chồng khá bận rộn nhưng vẫn phải dành khá nhiều thời gian để kèm cặp, tạo thói quen học bài cho con gái.

Anh An chia sẻ: Ba năm trước, cậu con trai đầu học lớp 1 khá vất vả, nhất là giai đoạn tạo nền nếp cũng như ý thức đi học về buổi tối phải làm bài tập, khi bán trú tại trường phải biết tự vệ sinh cá nhân, tự xúc cơm… Chính vì chủ quan, nghĩ vào năm học con sẽ thích nghi, thế nhưng phải gần hết học kỳ một, con mới làm quen được. Rút kinh nghiệm từ cậu con đầu, từ ngày con thứ hai bước vào mẫu giáo lớn, mỗi buổi tối gia đình thường cho con ăn cơm trước để con học bài. Thời gian đầu, bố mẹ phải thay phiên bố trí ngồi học cùng con, nhưng tầm hai tháng con đã quen nếp, ăn cơm xong, cứ đến giờ là tự vào bàn học. Nói là học bài, nhưng vào bàn con có thể làm những gì con thích như tập vẽ, tô mầu... để quen cách cầm bút, quan trọng vẫn là tạo thói quen cho con ngồi học.

Cũng có con năm nay vào lớp 1, chị Mai Hoa (quận Hai Bà Trưng) lại chọn hình thức cùng với một số phụ huynh thuê gia sư về nhà dạy cho các con làm quen với chữ, số, tập viết để con không bỡ ngỡ, tự tin khi bước vào năm học. Bên cạnh dạy chữ, các phụ huynh cũng dạy con một số kỹ năng như tự xúc cơm ăn, tự rửa tay, vệ sinh cá nhân… để các con có thể tự lập những lúc học bán trú ở trường. Ngoài ra, để tạo cảm hứng, thích đến trường, các mẹ còn cho con đi mua sách vở, dụng cụ học tập…

Khác với những phụ huynh nêu trên, thay vì cho con làm quen với con số, chữ viết, có kỹ năng tự chăm sóc bản thân mình, khá nhiều phụ huynh đăng ký cho con tham gia liền một lúc mấy khóa học. Chị Nguyễn Thị Hòa ở quận Cầu Giấy tỏ ra lo lắng: Thời gian qua vợ chồng tôi đau đầu về chuyện tìm chỗ học trước lớp 1 cho con. Thấy con bạn bè năm nay vào lớp một đã đọc, viết thành thạo cho nên gia đình cũng đăng ký cho con học trước chương trình, luyện thêm chữ ở trung tâm để con không bị “lép vế” so với các bạn. Đáng chú ý, ngoài nỗi lo con chậm thích ứng với trường học mới, nhiều phụ huynh còn lo lắng do sĩ số lớp học quá đông, khiến cô giáo không thể sát sao, quan tâm tới từng học sinh.

Trước những lo lắng của phụ huynh, là người có hơn 40 năm kinh nghiệm trong nghề “gõ đầu trẻ”, thầy giáo Lê Đức Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân Trường (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) chia sẻ: Chương trình lớp 1 đã có khoảng thời gian một tuần để giúp học sinh làm quen với nền nếp lớp học, cho nên không cần phải học trước chương trình. Thời gian tiếp theo, học sinh được làm quen với cô giáo, bạn bè, nền nếp, cũng như những nội quy lớp học. Cô giáo sẽ hướng dẫn các em cách lấy sách vở, cách cầm bút, cách trả lời cô giáo. Bất kỳ trường tiểu học nào cũng dạy những kỹ năng đó, cho nên phụ huynh không nên lo lắng. Bắt đầu tuần thứ hai, học sinh sẽ được làm quen với những nét cơ bản như nét khuyết, nét móc… để cấu tạo con chữ. Sau hai tuần các em bắt đầu được cô giáo giới thiệu chữ.

Vụ trưởng Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Nguyễn Bá Minh khẳng định: Dạy học trước chương trình lớp 1 là phản khoa học. Nếu ép trẻ luyện viết quá sớm khi các bộ phận chức năng của cơ thể chưa hoàn thiện như cơ quan thần kinh phát triển chưa toàn diện, cơ xương tay còn yếu, khả năng chịu đựng của thị giác khi phải tập trung nhìn không bền, thời gian tập trung vào thực hiện một nhiệm vụ cụ thể ngắn… sẽ làm trẻ căng thẳng, mệt mỏi, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý về sau của trẻ. Ngoài ra, việc dạy tập tô, tập viết chữ ở lứa tuổi mẫu giáo, nhất là khi người dạy có phương pháp sư phạm không tốt, sẽ gây khó khăn trong việc tổ chức dạy học ở lớp 1.

Theo các chuyên gia giáo dục, học trước chương trình sẽ khiến trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ. Với những trẻ biết đọc, biết viết trước thường mạnh dạn, tự tin hơn các bạn khác khi bắt đầu vào học, nhưng sau vài tuần, trẻ sẽ chủ quan khi cô giảng, trong khi đó những trẻ không được học trước chương trình sẽ háo hức và tập trung hơn. Do đó, các bậc phụ huynh không nên quá chú trọng đến việc trang bị kiến thức, mà cần chuẩn bị sẵn cho trẻ tâm lý vui vẻ, thoải mái, thân thiện khi bước vào ngôi trường tiểu học. Trẻ cần được hướng dẫn để nhận biết những vật dụng quen thuộc chung quanh, biết tự chăm sóc, biết biểu lộ cảm xúc; sử dụng ngôn ngữ thành thạo trong giao tiếp, biết sơ lược về con số, chữ cái…

THÚY QUỲNH

Web designed on www.saco.vn

Top