Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

Ngày 22-6, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo công bố các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới về kiểm soát tiêu thụ đồ uống có đường để phòng, chống bệnh không lây nhiễm.

Ông Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay, trung bình một người Việt Nam tiêu thụ khoảng 46,5 g đường tự do/ngày, gần bằng mức giới hạn tối đa (50g/ngày) và cao gần gấp đôi so với mức tiêu thụ là dưới 25g/ngày theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Điều tra về mức sống của hộ gia đình Việt Nam cho thấy 62.86% số hộ gia đình có tiêu dùng nước giải khát.

Riêng với trẻ em, theo kết quả điều tra toàn cầu về sức khỏe học sinh năm 2013, tỷ lệ học sinh Việt Nam thường xuyên sử dụng đồ uống có ga trong 30 ngày của lứa tuổi 13-17 tuổi trung bình là 31,1%, trong đó nam là 35,1%, trẻ gái là 27,6%.

Tiêu thụ đồ uống có đường đã tăng lên chóng mặt, gấp 7 lần trong 15 năm qua. Nhiều báo cáo cho thấy sử dụng đồ uống có cồn sẽ thừa năng lượng dẫn đến tích lũy mỡ, rối loạn chuyển hóa, là nguy cơ cho các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, loãng xương... những biến chứng nặng nề là bệnh tim mạch là nguyên nhân tử vong hàng đầu hiện nay, chiếm tới 33%/tổng số 73% nguyên nhân tử vong hàng năm.

Theo điều tra về tình hình thừa cân béo phì ở Việt Nam do Viện Dinh dưỡng quốc gia thực hiện, hiện 16% nam giới trưởng thành và 20% nữ giới trưởng thành đang bị thừa cân hoặc béo phì; bên cạnh đó, có 11,7% trẻ em nam và 7,6% trẻ em nữ trong độ tuổi 5 đến 19 đang bị thừa cân béo phì.

Tại hội thảo, các chuyên gia của tổ chức y tế thế giới khuyến nghị, để hạn chế tiêu thụ đồ uống có đường các doanh nghiệp cần phải dán nhãn sản phẩm nhằm cảnh báo sản phẩm có thể gây những tác hại nhất định cho sức khỏe người dùng, đồng thời hạn chế quảng cáo đồ uống có đường. Đặc biệt, cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường để hạn chế tiêu thụ.

TS. Guillermo Paraje, chuyên gia tư vấn ngắn hạn của WHO nói, tại Việt Nam hiện chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt mà chỉ chịu ảnh hưởng của thuế giá trị gia tăng 10%. Hiện hơn 40 quốc gia trên thế giới đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống này.

Do đó, nếu áp thuế tiêu thụ đặc biệt, sẽ thay đổi về giá sản phẩm, giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường không có lợi cho sức khỏe, khuyến khích các nhà sản xuất điều chỉnh giảm lượng đường trong các sản phẩm và sẽ góp phần tăng thu thuế cho nhà nước.

TRẦN NGUYÊN

Web designed on www.saco.vn

Top