Huyện đảo Phú Quốc nơi sẽ là một trong ba đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt của cả nước có 32 trường từ mầm non đến Trung học cơ sở (chưa tính trường THPT), với tổng cộng 65 điểm trường, nhưng duy nhất chỉ có một trường đạt chuẩn quốc gia.
Phú Quốc xưa dân cư thưa thớt, đất đai hoang sơ rộng lớn, nơi nào dân cư đông đúc, nơi nào giao thông thuận tiện, chính quyền dành đất xây dựng trường học. Nhưng hiện tại kinh tế-xã hội phát triển “tấc đất tất vàng” nên nơi nào thuận tiện, nơi nào đẹp đẽ chính quyền dành để giao cho nhà đầu tư. Điều này vô tình khiến nhiều ngôi trường ở “đảo ngọc” Phú Quốc rơi vào diện phải di dời khẩn cấp vì những nơi trường học tọa lạc là những địa điểm có thể hái ra tiền.
Theo một báo cáo giám sát của Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND tỉnh Kiên Giang, từ năm 2015 trở về trước trên địa bàn huyện đảo Phú Quốc có năm điểm trường nằm trong các dự án quy hoạch là: Trường tiểu học (TH) Dương Đông 2, Trường TH Cửa Dương 2, Trường TH Dương Tơ 2, Trường TH Dương Tơ 1 (điểm chính), Trường TH-THCS Gành Dầu (điểm Rạch Vẹm). Trong năm điểm trường bị dự án “nuốt”, bốn đã triển khai. Trường nằm trong quy hoạch dự án nhưng chưa triển khai là Trường TH-THCS Gành Dầu (điểm Rạch Vẹm), diện tích 3.094 m2 có năm phòng học, nằm trong khu quy hoạch của Dự án ITC.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo Phú Quốc, Trường TH Dương Đông 2, bị giải tỏa trắng 1.842m2, có bốn phòng làm việc và 10 phòng học mới vừa xây dựng xong để cho một doanh nghiệp xây dựng chợ Dương Đông. Dù đã bị giải tỏa trắng nhưng trường không được cấp đất để tái lập mà phương án giải quyết của chính quyền là lấy điểm phụ của Trường TH Dương Đông 3 đề làm Trường TH Dương Đông 2. Để dồn học sinh, chính quyền cho xây mới Trường TH Dương Đông 4, gồm 12 phòng học để học sinh của Trường TH Dương Đông 2 về đây. Do Trường TH Dương Đông 4 gánh thêm học sinh của Trường TH Dương Đông 2 đã tạo ra áp lực về quy mô số lớp, vì vậy Trường TH Dương Đông 4 không thể nào đạt chuẩn quốc gia.
Trường TH-THCS Hàm Ninh đã bị dự án "nuốt".
Còn Trường TH Cửa Dương 2 bị giải tỏa bốn phòng học ở điểm chính, với diện tích hơn 900m2 để làm đường giao thông, số đất còn lại không đủ để tái lập trường nên từ năm 2008 đến nay trường này phải ở nhờ trên đất của dân. Trong khi Trường TH Dương Tơ 2 bị giải tỏa đến ba điểm, với diện tích 13.285m2 nằm ở những vị trí đắc địa nhường cho dự án Nam Bắc Bãi Trường nhưng chính quyền bố trí cho trường tái lập tại khu tái định cư Suối Lớn (12 phòng), và ấp Đường Bào (6 phòng).
Ở lại… trong thoi thóp
Từ 2015 đến nay do đất đai tại huyện đảo ngày một hiếm, giá ngày một tăng nên số lượng trường và điểm trường học rơi vào miệng các dự án tăng gấp đối thời điểm trước. Nhưng trong số 10 điểm trường bị dự án “ăn thịt”, chỉ duy nhất có một điểm trường là Trường TH An Thới 2 (điểm Ruộng Muối) được nhà đầu tư triển khai. Điểm trường này có diện tích 9.057 m2, được Công ty Trung Sơn đền bù với số tiền 3,9 tỷ đồng. Điểm trường đã không còn hiện diện vì chưa được chính quyền bố trí đất để tái lập.
Chín điểm trường khác thì rơi vào những dự án “treo” nên chưa có phương án bồi hoàn và chưa có phương án bố trí xây dụng thay thế. Thầy và trò tại các điểm trường này đã và đang dạy và học trong điều kiện cơ sở hạ tầng xuống cấp nhưng không được quyền sửa chữa lớn hay xây mới.
Nằm trong hoàn cảnh này ở xã Bãi Thơm có bốn điểm trường, gồm: điểm Vũng Trâu Nằm có diện tích 981m², có ba phòng học, nằm trong khu quy hoạch thuộc dự án của Công ty Nam Bá. Điểm Rạch Tràm có diện tích 13.275 m² với bảy phòng học, nằm trong khu quy hoạch của Dự án City Land. Điểm Trường Mầm non diện tích 1.860 m², có sáu phòng học, nằm trong dự án của Công ty cổ phần Viễn thông HTI Việt Nam. Điếm Đá Chồng, diện tích 15.286 m², có chín phòng học và tám nhà công vụ, vừa được công bố quy hoạch thuộc dự án của tập đoàn Xuân Thành.
Trong bốn điểm trường của xã Bãi Thơm bị các dự án “nuốt”, điểm Rạch Tràm hiện đã xuống cấp rất tồi tệ nhưng thày và trò vẫn phải dạy và học, chưa biết viễn cảnh này kéo dài đến bao giờ, khi phương án di dời vẫn chưa có.
Tại thị trấn Dương Đông với giá đất thị trường lên đến cả trăm triệu đồng cho mỗi mét vuông đất nên 6.541m2 trong tổng số gần 10.000m2 của Trường TH Dương Đông 3 có quy mô 32 phòng học đã bị quy hoạch thành Khu dân cư và du lịch Thành phố con đường Tơ lụa (The Silk Path City).
Ở phía Bắc đảo, xã Gành Dầu có Trường TH-THCS Gành Dầu (điểm Mũi Dương) diện tích 4.069 m², 5 phòng học cũng bị dự án Khu dân cư Du lịch làng nghề Gành Dầu xí phần.
Còn ở xã Hàm Ninh, Trường Mầm non Hàm Ninh có diện tích 3.623 m2, 9 phong học đã bị Dự án khu dân cư Hàm Ninh quy hoạch bỏ đó. Trường TH-THCS Hàm Ninh (điểm Bãi Vòng) có diện tích 4.000 m² cũng đã bị Công ty Dịch vụ-Thương mại-Du lịch Sài Gòn xí phần khi đưa ngôi trường đã xuống cấp trầm trọng này vào diện chỉ được gia cố tạm hàng năm.
Tại xã đảo Hòn Thơm (nằm tách biệt với đảo Phú Quốc) Trường TH-THCS Hòn Thom có 4.460 m2, gồm 13 phòng học, 14 nhà công vụ đã bị dự án đình đám Cáp treo và quần thể vui chơi giải trí biển Hòn Thơm “nuốt” mất. Duy nhất chỉ có điểm trường này, chính quyền huyện Phú Quốc “ưu ái” khi cho khảo sát thiết kế, ứng vốn để tái lập trường, trong khi dự án này chưa lên phương án đền bù. Tuy nhiên quỹ đất giáo dục dành cho ngôi trường này đã sụt giảm từ 4.460m2 xuống còn 3.876m2.
Phú Quốc đứng chót
Những năm qua, tỷ 1ệ dân số và học sinh của huyện đảo Phú Quốc tăng đều. Số học sinh ngày một tăng cao, nhưng cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp thì teo tóp. Năm học 2017-2018, số lượng học sinh phổ thông toàn huyện tăng đến 1.337 học sinh so với năm học trước, nhưng ngành giáo dục cố gắng chỉ tăng được 13 lớp, thay vì phải tăng 38 lớp.
Học sinh tăng, phòng học không đáp ứng nên nhiều trường ở Phú Quốc không thể tổ chức dạy học hai buổi/ngày, tỷ lệ học sinh trên lớp vượt, không bố trí được các phòng chức năng, phòng học bộ môn, điều kiện không bảo đảm về diện tích, khuôn viên, sân chơi, bãi tập…
Vì vậy, Phú Quốc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ đạt rất thấp, không thể xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường chất lương cao. Phú Quốc là huyện có mức thu ngân sách cao nhất tỉnh, nhưng về thực trạng mạng lưới trường lớp học lại đứng thấp nhất.
Tại buổi làm viêc về tình hình giáo dục của huyện đảo Phú Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Văn Huỳnh chỉ đạo, trước mắt giao UBND huyện Phú Quốc giải quyết ngay những khó khăn về cơ sở vật chất tại Trường TH-THCS Gành Dầu (điểm Rạch Vẹm).
“Ban Quản lý khu kinh tế Phú Quốc xem xét lại dự án này, nếu nhà đầu tư không thực hiện sẽ tiến hành thu hồi dự án, nếu thực hiện thì tập trung phương án xây dụng trường mới”- ông Mai Văn Huỳnh chỉ đạo.
Về định hướng lâu dài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao ngành, địa phương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất gắn với đề án quy hoạch hê thống trường, lớp trên địa bàn huyện, đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án quy hoạch hệ thống trường, lớp tầm nhìn đến năm 2020, 2025 và 2030. Phú Quốc phải dự báo nhu cầu trường chất lượng cao, trường quốc tế và có lộ trình phát triển cụ thể. Từ đó quy hoạch hợp lý quỹ đất sử dụng cho giáo dục gắn với không gian phát triển đô thị và quy mô dân số. Những năm tới, tỉnh, huyện phải ưu tiên vốn ngân sách cho sự nghiệp giáo dục của huyện đảo Phú Quốc.
VIỆT TIẾN