Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

Khi mua phân bón của công ty TM & DV Đức Thuận (Cty Đức Thuận) trên thị trường để chăm sóc cho vườn cây, rau, người tiêu dùng tại TP.HCM phản ảnh phân bón mập mờ thông tin, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và đặc biệt lo ngại có dấu hiệu phân bón giả.

Nghi ngại hàng giả, chất lượng không đảm bảo

Ông Phạm Xuân D. (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) phản ảnh, mới đây, ông mua phân bón hữu cơ sinh học cao cấp, hiệu Minro, khối lượng 700g, sản phẩm của công ty TM & DV Đức Thuận tại cửa hàng Bảo vệ thực vật Sài Gòn (Quận Phú Nhuận, TP.HCM), loại dạng viên nén giá 17.000đ/gói, loại dạng bột giá 15.000đ/gói, nhưng sử dụng chung một loại bao bì.

“Chỉ một loại bao bì, nhưng "ruột" lại khác nhau, trên bao bì không có một đặc điểm nào để phân biệt, người mua chỉ còn cách sờ nắn túi phân thì mới biết đâu là dạng viên, đâu là dạng bột và không có hướng dẫn sử dụng riêng biệt cho từng loại cụ thể. Sự mập mờ như vậy khiến tôi khá lo ngại”, ông D. băn khoăn.

Người tiêu dùng nghi ngờ Công ty TM & DV Đức Thuận sản xuất phân bón mập mờ thông tin - Ảnh 1
Cùng một bao bì nhãn mác phân bón nhưng chủng loại, thành phần khác nhau (Ảnh: N.K)
Theo khảo sát thị trường phân bón của ĐS&PL tại TP.HCM, Đồng Nai, Vũng Tàu… về loại phân bón này, phản ánh của người tiêu dùng là hoàn toàn đúng khi sản phẩm không thể phân biệt được nếu không sờ, nắn để cảm nhận phân loại sản phẩm.

Mở bao bì quan sát thì loại phân viên có mùi hôi nồng nặc, trong khi loại phân bột màu nâu đen, không mùi, giống như giá thể đất trồng rau… Tuy vậy trên bao bì không thể hiện sự khác nhau về thành phần, nguyên liệu và tính chất. Bên cạnh đó, bao bì sản phẩm này còn in thêm dòng chữ “Công nghệ Hà lan”.

Ngoài phân hữu cơ sinh học cao cấp Minro nói trên, phóng viên còn phát hiện thêm sản phẩm phân khoáng đa dinh dưỡng NPK cao cấp 15-11-18 + TE khác, hiệu Lavamix, giá 30 nghìn đồng/gói/kg, trên bao bì in dòng chữ “Nguyên liệu ngoại nhập”, đóng gói và phân phối bởi công ty TM & DV Đức Thuận, nhưng không rõ nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu ngoại nhập trước khi được nhập về Việt Nam.

Người tiêu dùng nghi ngờ Công ty TM & DV Đức Thuận sản xuất phân bón mập mờ thông tin - Ảnh 2
Loại phân khoáng đa dinh dưỡng của công ty Đức Thuận mập mờ thông tin nguyên liệu sản phẩm

Mập mờ thông tin, lừa người tiêu dùng?

Để làm rõ thông tin, phóng viên ĐS&PL đã đặt lịch hẹn làm việc với công ty Đức Thuận, nhưng sau đó công ty này đưa ra nhiều lý do như "sửa chữa văn phòng, lãnh đạo công ty đi công tác..." khiến buổi làm việc bị trì hoãn.

Cho tới sáng ngày 5/5, tại văn phòng công ty Đức Thuận, một người giới thiệu tên Nguyễn Trần Minh Toàn, đại diện pháp luật của công ty TM & DV Đức Thuận, mới có buổi làm việc chính thức với phóng viên để trả lời về những phản ảnh người tiêu dùng.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trần Minh Toàn khẳng định: “Những sản phẩm trên đúng là sản phẩm của công ty Đức Thuận, đây là lỗi của công ty, là sơ xuất nhỏ, chúng tôi chỉ mới thử nghiệm trên bao bì đựng sản phẩm này và tiếp tục điều chỉnh trong thời gian tới”.

Để biện minh cho sản phẩm không rõ ràng thông tin trên bao bì, ông Toàn đưa ra lý do: “Công ty Đức Thuận cho dán tạm miếng “đề can” bên ngoài sản phẩm để nhận biết từng loại phân, nhưng đại lý vận chuyển làm rơi miếng này”.

Người tiêu dùng nghi ngờ Công ty TM & DV Đức Thuận sản xuất phân bón mập mờ thông tin - Ảnh 3
Người giới thiệu là đại diện pháp luật của công ty TM & DV Đức Thuận tại buổi làm việc với báo ĐS&PL (Ảnh: N.K)

Riêng về xuất xứ thông tin in trên bao bì “Công nghệ Hà Lan” của sản phẩm phân hữu cơ sinh học cao cấp Minro, ông Toàn cho rằng: “Công ty Đức Thuận tự sản xuất phân bón theo dạng viên giống như phân bón viên của Hà Lan, vì thế công ty in trên bao bì dòng chữ sản xuất theo “Công nghệ Hà Lan”.

Cùng liên quan đến dấu hiệu vi phạm về bao bì sản phẩm, loại phân khoáng đa dinh dưỡng 1kg, thương hiệu Lavamix, trên bao bì chỉ in: “Nguyên liệu ngoại nhập”, “Đóng gói và phân phối bởi công ty TM & DV Đức Thuận”, ông Toàn phân bua: “Loại phân khoáng đa dinh dưỡng công ty nhập nguyên liệu bên ngoài, đem về trộn và đóng gói rồi phân phối ra thị trường, không nhất thiết phải ghi rõ nguyên liệu sản phẩm nhập khẩu ở đâu, sản xuất tại đâu, nguồn gốc thế nào (?!)”

Đồng thời, đại diện công ty Đức Thuận đổ lỗi cho “Luật quản lý phân bón có nhiều thay đổi, doanh nghiệp khó mà theo kịp, trước đây phân bón NPK có tỷ lệ NPK lớn hơn 18% thì không cần khảo nghiệm, giờ thì phải khảo nghiệm, nên công ty đang làm giấy phép lưu hành cho loại phân khoáng đa dinh dưỡng này..."

Theo cách giải thích của đại diện công ty Đức Thuận, rõ ràng việc in dòng chữ “Công nghệ Hà Lan” trên sản phẩm, là do doanh nghiệp thấy “thích là làm” và làm dạng viên giống phân bón viên của Hà Lan, nhưng hoàn toàn không có một công ty nào của nước Hà Lan chuyển giao công nghệ cho Đức Thuận.

Đồng thời, với cách in nhãn trên bao bì của công ty Đức Thuận đối với sản phẩm phân khoáng đa dinh dưỡng khiến người tiêu dùng nhầm hiểu đây là sản phẩm nhập khẩu, hàng ngoại nhập nhưng thực ra đây chỉ là sản phẩm nhập khẩu nguyên liệu không rõ nguồn gốc, sau đó công ty Đức Thuận đem phối trộn, gia công và sang chiết lại thành gói nhỏ, gắn thương hiệu Lavamix.

Ngoài ra, các chỉ tiêu chất lượng đối với hợp chất hữu cơ quan trọng trong phân hữu cơ sinh học như hàm lượng axit humix in trên bao bì sản phẩm phân bón hiệu Minro của Đức Thuận là 2.5%, trong khi theo Nghị định 108/2017/NĐ-CP về quản lý phân bón thì hàm lượng những hợp chất hữu cơ quan trọng (axit humix) phải đạt từ 3.5%.

Đặc biệt, đại diện của công ty Đức Thuận xưng tên Nguyễn Trần Minh Toàn có dấu hiệu dùng tên giả để làm việc với phóng viên. Theo tìm hiểu, người này chính là ông Nguyễn Trần Duy, người đứng tên đại diện theo pháp luật của công ty Đức Thuận. Ngoài ra, người phụ nữ ngồi cạnh "ông Toàn" trong buổi làm việc cũng nhiều lần quay sang gọi "anh Duy" chứ không phải là "anh Toàn" như người này tự xưng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Web designed on www.saco.vn

Top