Từ thực tế nhu cầu trong nước
Trong lịch sử hoạt động chín năm, Bảo tàng chip điện tử Thượng Hải thường được biết đến như là nơi dành cho học sinh đến tìm hiểu và học về những con chip máy tính. Nhưng mọi thứ đã thay đổi, kể từ sau khi Bắc Kinh tuyên bố mục tiêu ưu tiên phát triển ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn nói chung và sản xuất chip điện tử nói riêng của nước này trở thành một trong những thị trường hàng đầu thế giới.
Ông Lance Long, Giám đốc Bảo tàng chip điện tử Thượng Hải hiện nay trở nên bận rộn với việc tổ chức những khoá tham quan kết hợp đào tạo cho hàng trăm nhóm khách đến từ những địa phương trên toàn Trung Quốc. Những nhà đầu tư từ những vùng xa xôi nhất của Trung Quốc cũng không muốn bỏ qua cơ hội lớn này. Chỉ riêng năm 2017, hơn 200 nhóm đã đến Bảo tàng chip điện tử Thượng Hải để tìm hiểu và kiếm những cơ hội đầu tư vào ngành công nghiệp đầy hứa hẹn này.
Trả lời phỏng vấn Tạp chí Nikkei Asian Review, ông Lance Long cho biết: “Đa số mọi người đến đây biết rất ít về chip điện tử, nhưng họ đều muốn nắm bắt cơ hội đầu tư hiếm có này khi thị trường được “bật đèn xanh” bởi các nhà làm chính sách hàng đầu”.
Tất cả đều thể hiện tham vọng của Trung Quốc trong việc phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn, đặc biệt là thị trường sản xuất chip điện tử non trẻ của nước này. Chính phủ Trung Quốc nhắm đến việc tạo ra một phiên bản Trung Quốc từ những công ty hàng đầu trên thế giới trong ngành công nghiệp này. Trung Quốc muốn tham gia cuộc đua công nghệ, thậm chí muốn vượt qua những đối thủ hàng đầu trên thế giới trong việc áp dụng chip điện tử trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
Nhu cầu nhập khẩu sản phẩm liên quan đến ngành công nghiệp chất bán dẫn đã vượt qua nhu cầu nhập khẩu dầu của Trung Quốc trong năm năm. Nguồn: Nikkei Asian Review.
Năm 2014, Trung Quốc đã không giấu diếm tham vọng của mình khi thành lập Quỹ đầu tư dành cho ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử (Big Fund) với tổng số vốn nguồn cam kết ban đầu lên đến 138 tỷ Yuan (tương đương 21,9 tỷ đô-la Mỹ). Sau khi thành lập, Quỹ này hy vọng thu hút được thêm các khoản đầu tư từ các chính quyền địa phương và các nguồn lực tư nhân. Giai đoạn hai huy động vốn của Quỹ này được ước tính sẽ thu hút thêm ít nhất 150 tỷ Yuan. Credit Suisse ước đoán tổng số tiền mà Trung Quốc đầu tư cho ngành này có thể lên đến 140 tỷ đô-la Mỹ.
Trung Quốc muốn chấm dứt “phụ thuộc” vào công nghệ nước ngoài, khi số liệu thống kê cho thấy riêng năm 2017, tổng kim ngạch nhập khẩu dành cho các sản phẩm liên quan đến ngành công nghiệp chất bán dẫn của nước này là 260 tỷ đô-la Mỹ. Trong vòng năm năm, tổng kim ngạch nhập khẩu cho thị trường này đã vượt qua tổng kim ngạch nhập khẩu dầu của Trung Quốc. Mặt khác, có vẻ như Trung Quốc đang tiến hành chuyển dịch cơ cấu các ngành sản xuất của mình sang giai đoạn sản xuất những mặt hàng có giá trị cao hơn.
Đến những yếu tố khác
Bên cạnh những yếu tố thuần kinh tế, việc tập trung phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử của Trung Quốc được cho là còn căn cứ trên những yếu tố khác. Điển hình là những lo ngại về vấn đề an ninh quốc gia. Những con chip điện tử được ví như những “bộ não” của các thiết bị điện tử, từ điện thoại thông minh, máy tính đến hệ thống dữ liệu và các thiết bị khác. Chính điều này làm dấy lên những lo ngại thuộc về lĩnh vực tình báo. Trung Quốc muốn bảo đảm cơ chế phòng ngự trước những lo ngại về vấn đề an ninh quốc phòng, điển hình như vụ bê bối Edward Snowden xảy ra vào năm 2013. Vụ Edward Snowden từng là tâm điểm của nhiều tranh cãi khi Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) cùng nhiều công ty công nghệ của nước này bị cáo buộc thực hiện những chương trình theo dõi rộng khắp.
Biểu đồ thể hiện giá trị các thương vụ mua bán, sáp nhập quốc tế của các công ty Trung Quốc trong các lĩnh vực liên quan đến thị trường chất bán dẫn. Nguồn: Bloomberg.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc hướng đến việc phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử. Từ những năm 1990, Trung Quốc đã từng thực hiện kế hoạch phát triển ngành này nhưng thất bại. Những sản phẩm công nghệ được sản xuất bởi những công ty Trung Quốc thường “lạc hậu” so với những sản phẩm cùng loại, được sản xuất bởi những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Samsung và Intel. Đây là một trong những hạn chế đối với kế hoạch đầy tham vọng của Trung Quốc, là sản xuất nội địa có thể đáp ứng được 75% nhu cầu trong nước vào năm 2025.
Tuy nhiên, khác với lần trước khi các khoản đầu tư đều không mang lại hiệu quả, với lần triển khai này, Trung Quốc khôn khéo khi đưa ra kế hoạch thu hút các chuyên gia nước ngoài đến làm việc tại Trung Quốc. Đồng thời, Bắc Kinh chủ trương mở cửa thu hút những công ty công nghệ cao nước ngoài đặt nhà máy sản xuất tại Trung Quốc. Với chính sách này, Trung Quốc vừa giải quyết được bài toán về chuỗi sản xuất khép kín, vừa thu hút được nhân tài, cũng như đạt được mục đích thay thế càng nhiều càng tốt các nhà cung cấp nước ngoài.
Giới phân tích đánh giá lần triển khai này của Trung Quốc thực sự có tiềm năng, sau khi nước này “rút kinh nghiệm” từ những thất bại trong quá khứ. “Họ có tất cả những nguyên liệu cần thiết cũng như thị trường lớn. Trung Quốc trước sau gì cũng sẽ “hái quả”, vấn đề chỉ là thời gian mà thôi”, chuyên gia phân tích Mark Li thuộc Bernstein Research chia sẻ với báo chí.
“Trái ngọt” đầu tiên?
Thành quả đầu tiên mà Bắc Kinh sẽ nhận được từ chủ trương đầu tư phát triển ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử được dự báo sẽ thành hiện thực vào cuối năm 2019, khi các nhà sản xuất trong nước chuyển đi lô hàng đầu tiên là những con chip điện tử lưu trữ dữ liệu.
Vào thời điểm hiện tại, các nhà sản xuất Trung Quốc chưa đủ khả năng sản xuất chip điện tử với số lượng lớn và chất lượng cao. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành đưa ra nhận định những sản phẩm dạng này của Trung Quốc có khả năng gây ảnh hưởng lớn đến “nguồn cung” của thị trường toàn cầu, khi các nhà sản xuất Trung Quốc đạt đến trình độ sản xuất những sản phẩm chất lượng cao với số lượng lớn, chỉ trong vòng từ ba đến năm năm.
Khi điều này trở thành hiện thực, hai thị trường sẽ bị ảnh hưởng nhất là thị trường chip bộ nhớ sử dụng công nghệ NAND và thị trường chip bộ nhớ sử dụng công nghệ DRAM.
Tổng giá trị thị trường toàn cầu dành cho bộ nhớ NAND đạt 58 tỷ đô-la Mỹ và thị trường bộ nhớ DRAM là 71 tỷ đô la Mỹ vào năm 2017. Thống trị thị trường NAND chỉ gồm sáu thương hiệu quen thuộc gồm Samsung, Toshiba, Western Digital, SK Hynix, Micron Technology và Intel. Đối với thị trường DRAM, số lượng các thương hiệu quen thuộc thậm chí còn ít hơn, chỉ gồm Samsung, Micron Technology và SK Hynix, theo số liệu thống kê của công ty Trend Force.
Công ty Công nghệ Yangtze “tiêu tốn” đến 24 tỷ đô-la Mỹ xây dựng nhà máy sản xuất chip bộ nhớ điện tử tại Vũ Hán. Ảnh: Tsinghua Unigroup.
Tuy nhiên, tình hình hiện tại có khả năng sẽ sớm thay đổi khi tập đoàn đa ngành nghề của Trung Quốc mang tên Tsinghua Unigroup tham gia “cuộc chơi”. Mặc dù thất bại trong thương vụ trị giá 23 tỷ đô-la Mỹ nhằm mua lại Micron để trở thành cổ đông lớn nhất của Western Digital, khi bị chính quyền Mỹ “tuýt còi”, Tsinghua Unigroup còn có kế hoạch khác. Một công ty thuộc tập đoàn này mang tên Yangtze Technologies đã “tiêu tốn” đến 24 tỷ đô-la Mỹ xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử tại Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc. Công ty này hiện đã tuyển dụng hàng nghìn kỹ sư từng làm việc cho các “đối thủ” như Samsung, SK Hynix, Micron và Nanya Technology và bắt đầu vận chuyển thiết bị máy móc vào vị trí từ đầu tháng 4-2018.
Chủ tịch Tập đoàn Tsinghua Unigroup, ông Zhao Weiguo tuyên bố công ty Yangtze Memory sẽ đi vào hoạt động ngay trong năm nay, và “sẽ cho ra lò” lô sản phẩm đầu tiên, dự kiến vào cuối năm 2019.
Tuy ý thức được “mối đe doạ” đến từ Trung Quốc, CEO các tập đoàn như Samsung và Micron đều đưa ra nhận định các nhà sản xuất chip điện tử Trung Quốc hãy còn “một chặng đường dài để đi” trước khi họ có thể khẳng định vị thế trên thị trường.
“Chúng tôi nhận thức được sự ủng hộ lớn từ Chính quyền Bắc Kinh đối với các công ty công nghệ Trung Quốc, tuy nhiên, việc thu hẹp khoảng cách về công nghệ không thể thực hiện trong một sớm một chiều chỉ với những khoản đầu tư lớn”, CEO Samsung Electronics Kim Ki-nam phát biểu trong cuộc họp thường niên của tập đoàn này vào tháng 3-2018.
QUỐC DŨNG