Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

Tiến hành hơn 6.200 tiết học thực nghiệm

Việc thực nghiệm diễn ra trên thực tế tại các trường trong một tháng. Nội dung thực nghiệm lần này là những điểm mới về mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục trong CT môn học. Việc thực nghiệm CT môn học được tiến hành ngay trong quá trình hoàn thiện dự thảo các CT môn học.

Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên CT GDPT mới, mục đích thực nghiệm là đánh giá tác động và kiểm nghiệm mức độ phù hợp, tính khả thi của dự thảo các CT môn học trong CT GDPT mới đối với cơ sở GDPT, đồng thời cung cấp thông tin góp phần hoàn thiện dự thảo các CT môn học để Hội đồng Quốc gia Thẩm định CT môn học tiến hành thẩm định.

Thực nghiệm được tiến hành tại một số trường phổ thông thuộc sáu tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư là: Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ đại diện sáu vùng kinh tế - xã hội trên phạm vi cả nước. Mỗi vùng chọn một tỉnh, mỗi tỉnh chọn ba trường tiểu học, ba trường trung học cơ sở (THCS) và hai trường trung học phổ thông (THPT) đại diện cho các địa bàn phát triển khác nhau để thực nghiệm.

Theo báo cáo của Ban Phát triển các CT môn học, các sở GD-ĐT đã chú trọng, tăng cường công tác chỉ đạo việc triển khai thực nghiệm các CT môn học, coi đây là một trong các nhiệm vụ góp phần quan trọng thực hiện thành công đổi mới CT, SGK GDPT ở địa phương và toàn quốc.

Cấp tiểu học có 147 tiết, cấp THCS có 129 tiết, cấp THPT có 96 tiết, tổng cộng có 372 tiết. Mỗi bài được dạy từ một đến hai lượt. Nội dung bài dạy thực nghiệm có hai loại: Bài học là nội dung mới, không có trong CT hiện hành; Bài học là nội dung có trong CT, SGK hiện hành nhưng được thực hiện theo phương pháp dạy học mới. Tổng cộng đã có hơn 6.200 tiết học thực nghiệm được tiến hành.

Số giáo viên thực hiện các bài học thực nghiệm là 528 giáo viên tiểu học, 602 giáo viên THCS và 352 giáo viên THPT, tổng cộng 1 482 người.

Kết quả dạy thực nghiệm, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết giáo viên và cán bộ quản lý các trường tham gia thực nghiệm đều đánh giá cao ưu điểm và triển vọng của CT GDPT mới. Tuy nhiên, họ cho biết một số yêu cầu cần đạt còn cao so với trình độ của học sinh; nội dung một số bài thực nghiệm tương đối khó; một số bài vẫn còn nặng về trang bị kiến thức; dung lượng của một số bài chưa phù hợp với thời lượng dạy học. Việc bố trí nhiều đơn vị kiến thức trong một bài học không tạo điều kiện cho học sinh thực hiện các hoạt động khám phá, luyện tập và vận dụng kiến thức vào đời sống. GS Nguyễn Minh Thuyết nói rằng đây là những hạn chế, bất cập cần được mỗi nhóm tác giả CT môn học nghiêm túc xem xét và kiên quyết khắc phục trong thời gian tới.

GS Nguyễn Minh Thuyết tại buổi họp báo (Ảnh: THÙY LINH)

Đánh giá tính khả thi của CT, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết phần lớn các tiết dạy thực nghiệm diễn ra sôi nổi, mới mẻ. Nhiều giáo viên đã vận dụng tốt phương pháp tổ chức hoạt động, trao quyền chủ động cho học sinh, tạo tâm thế hào hứng và các hoạt động học tập hiệu quả ở học sinh. Nhiều giáo viên đã mạnh dạn thay đổi ví dụ được gợi ý trong tài liệu thực nghiệm cho phù hợp với điều kiện của địa phương. Một số giáo viên còn linh hoạt thay đổi cách bố trí lớp học, không gian học, dùng hình thức trò chơi để học sinh học một cách thoải mái, hứng thú. Các hình thức thảo luận nhóm, thảo luận cặp đôi,… được sử khá dụng hợp lý và hiệu quả. Nhưng bên cạnh đó, một số giáo viên vẫn chưa thay đổi được thói quen truyền thụ kiến thức đơn thuần nên chưa tạo ra được những giờ học hiệu quả. Một số giáo viên thiên về áp dụng phương pháp phát vấn, chủ yếu là hỏi đáp giữa giáo viên với một vài học sinh. Một số giáo viên tuy có tổ chức cho học sinh làm việc nhóm nhưng cách làm việc còn mang tính hình thức, chưa tạo điều kiện để mỗi học sinh trong nhóm hoạt động, tự tạo ra sản phẩm của mình, đóng góp vào kết quả làm việc chung…

Số người không đồng ý chiếm tỷ lệ nhỏ

Bên cạnh tiến hành thực nghiệm các tiết học, tất cả giáo viên và cán bộ quản lý các trường tham gia thực nghiệm cũng được lấy ý kiến khảo sát với nội dung là sáu tiêu chí đánh giá CT môn học thông qua hình thức khảo sát online và phỏng vấn sâu.

Kết quả, theo báo cáo của Ban phát triển CT là: Ý kiến đánh giá về dự thảo các CT môn học rất tập trung. Ý kiến “Không đồng ý” chiếm tỷ lệ rất nhỏ, tính chung cả ba cấp học là 0,37%.

"Kinh nghiệm thực nghiệm CT lần này kết hợp với kinh nghiệm quốc tế về thực nghiệm những điểm mới ngay trong quá trình xây dựng CT, biên soạn SGK cũng sẽ rất hữu ích đối với việc thực nghiệm SGK trong thời gian tới" - GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Ông cho biết, Ban Phát triển CT GDPT tổng thể, Ban Phát triển các CT môn học đã phân tích kết quả các giờ dạy thực nghiệm, tiếp thu ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý ở cơ sở, kết hợp với góp ý của các sở GD-ĐT, các chuyên gia giáo dục, các tầng lớp nhân dân và Hội đồng Quốc gia Thẩm định CT GDPT tổng thể, CT môn học để hoàn thiện CT.

LÊ HÀ

Web designed on www.saco.vn

Top