Quy chế tuyển sinh cho phép các trường được bổ sung thêm các tổ hợp bài thi/môn thi mới để xét tuyển. Về lý thuyết, có chín môn thi và một số môn thi năng khiếu có thể thiết kế tới hơn 400 tổ hợp. Tuy nhiên, kết quả thống kê cho thấy số thí sinh đăng ký xét tuyển chọn các tổ hợp mới được bổ sung rất ít, có tới hơn 100 tổ hợp chỉ có dưới 10 thí sinh chọn và có hàng trăm tổ hợp không có trường hoặc thí sinh nào lựa chọn.
Theo thống kê đăng ký xét tuyển năm 2018, gần 90% thí sinh lựa chọn đăng ký vào năm tổ hợp quen thuộc, nhiều nhất là tổ hợp A00: Toán, Vật lý, Hóa học; tổ hợp D01: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh; tổ hợp A01: Toán, Vật lý, Tiếng Anh; tổ hợp B00: Toán, Hóa học, Sinh học; tổ hợp C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Năm 2017 thí sinh đăng ký vào các tổ hợp này chiếm gần 92%.
Trước đó, một số trường đã không tuân theo quy định "các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo” và kết quả là đưa ra những ”tổ hợp lạ”. Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, sau khi Bộ GD-ĐT nhận được phản ánh và tiến hành rà soát tất cả các trường có dấu hiệu nêu trên, đến nay, các trường đã thay đổi những tổ hợp xét tuyển không gắn với ngành đào tạo. "Số liệu đăng ký cho thấy không phải các trường cứ đưa ra nhiều tổ hợp thì sẽ có đông thí sinh đăng ký. Đưa ra những tổ hợp thiếu thuyết phục, thì cũng không phải là cách thưc tốt để mang lại nguồn tuyển cho các trường này”- Vụ trưởng Nguyễn Thị Kim Phụng nhận định.
Nhiều “tổ hợp lạ” trong tuyển sinh, Bộ GD-ĐT nói gì?
LÊ HÀ