Trần Thị Mỹ Trà (59 tuổi; ngụ quận 12, TP HCM) hỏi: Bác sĩ vui lòng cho tôi hỏi say nắng có thực nguy hiểm đến thế không? Nó có những triệu chứng gì và phải phòng ngừa như thế nào? Tôi hiện có huyết áp hơi cao (chưa phải dùng thuốc) và tiểu đường nhẹ, không biết có ảnh hưởng gì nếu đi giữa trời nắng gắt?
BS chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất, trả lời:
Các tên gọi như say nắng, sốc nắng, sốc nhiệt… thường được dùng để chỉ hiện tượng say nắng khi làm việc hoặc đi quá lâu dưới trời nắng nóng.
Hiện tượng này xảy ra khi nhiệt độ cơ thể tăng lên do rối loạn trung tâm điều hòa thân nhiệt, giãn mạch, mất nước qua mồ hôi. Các biểu hiện của say nắng, say nóng có thể tùy theo mức độ tăng thân nhiệt và thời gian.
Những biểu hiện nhẹ ban đầu có thể là tăng nhịp tim, tăng nhịp thở, hồi hộp trống ngực… Giai đoạn nặng hơn là người bị say nắng cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu, tay chân rã rời, kích thích nhẹ, khó thở tăng dần, chuột rút...
Nếu không được can thiệp đúng, say nắng quả thật có thể dẫn dến hậu quả nghiêm trọng sau cùng là ngất, hôn mê, trụy tim mạch, tử vong.
Các bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim), nội tiết (tiểu đường, cường giáp…) sẽ làm nặng thêm tình trạng say nắng. Tuổi tác (trẻ nhỏ, người lớn tuổi) cũng là những người nhạy cảm với thời tiết, cần chú trọng đề phòng say nắng.
Để phòng tránh say nắng, bà nên tránh làm việc hoặc đi dưới trời nắng nóng quá lâu, đặc biệt là những thời điểm nắng gắt, nhiệt độ cao trong ngày. Khi ra đường cần chuẩn bị mũ nón, áo khoác, dù…để chống nắng, mang theo nước để uống bù khi bị đổ mồ hôi nhiều. Vì các bệnh lý cao huyết áp và tiểu đường là yếu tố nguy cơ làm nặng thêm tình trạng say nắng, nên bà cũng cần chú trọng tuân thủ điều trị để kiểm soát tốt các căn bệnh này.
Nếu lỡ có các biểu hiện say nắng, bà phải vào nơi thoáng mát ngay, nghỉ ngơi, rửa mặt bằng nước mát và uống nước. Nếu tình hình không đỡ hoặc đã xuất hiện các biểu hiện nặng, bà phải vào bệnh viện kiểm tra ngay.
Anh Thư thực hiện