Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Tràm Chim Đoàn Văn Nhanh cho phóng viên Nhân Dân điện tử biết, lúc được một người dân đi giăng lưới phát hiện, cá thể sếu đầu đỏ này đi cùng một cá thể cái, nhưng nó đã yếu nên không bay lên được. Người dân kêu nhau cùng bắt lại và báo về Vườn quốc gia Tràm Chim.

Cá thể sếu đầu đỏ đực những ngày được chăm sóc ở Trung tâm Bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Tràm Chim.

Để cứu cá thể sếu đầu đỏ này, Vườn quốc gia Tràm Chim kêu gọi các bác sĩ thú y hỗ trợ, trong đó có cả những chuyên gia quốc tế. “Bình thường sếu đầu đỏ phải tự ăn được, nhưng với cá thể này, nhân viên Trung tâm phải mớm cho nó, túc trực chăm sóc liên tục sáu ngày qua. Nhưng khoảng 4 giờ sáng 3-4, anh em đã gọi báo cho tôi là sếu đã chết”, Phó giám đốc Đoàn Văn Nhanh nói.

Cá thể sếu đầu đỏ đã yếu, không tự ăn được.

Cách đây 20 năm, năm 1998, cá thể sếu đầu đỏ này được đeo vòng chân, tính ra đến nay nó khoảng 25 năm tuổi, thuộc tình trạng già, tương đương với người khoảng 70 tuổi.

Nhân viên Trung tâm chăm sóc cá thể sếu đầu đỏ.

Sếu đầu đỏ thường trở về Tràm Chim vào mùa khô, từ ngày 15-1 đến giữa tháng 5 thì bay đi. Ông Nhanh cho biết, thời điểm hiện tại, tính cả cá thể sếu vừa chết, có khoảng chín sếu đầu đỏ đang ở Tràm Chim. Đây cũng là thời điểm sếu đầu đỏ về đây đông nhất.

Sếu đầu đỏ được Vườn quốc gia Tràm Chim quan tâm chăm sóc đặc biệt. Đầu mùa sếu về, thức ăn cho sếu chưa có nhiều vì bãi bồi còn ướt, Trung tâm Bảo tồn và phát triển sinh vật Tràm Chim cử nhân viên bổ sung thêm thức ăn tại các bãi bồi cho sếu. Sếu là loài ăn tạp, nên Vườn bổ sung đủ các loại cá, bắp ngô, lúa... Nhưng thức ăn ưa thích của sếu đầu đỏ chính là củ năng.


Trước đây, củ năng tại Tràm Chim rất nhiều, nhưng do biến đổi khí hậu, nước về thất thường, nên diện tích trồng củ năng có phần giảm. Vườn đang cố gắng phục hồi lại củ năng, vì nó không chỉ là thức ăn yêu thích của sếu đầu đỏ mà còn nhiều loại sinh vật khác trong hệ sinh thái ở Tràm Chim.

Lý giải về nguyên nhân sếu đầu đỏ về Tràm Chim ngày càng ít đi, ông Đoàn Văn Nhanh cho rằng do nguồn thức ăn giảm, môi trường sống bị thu hẹp và do tác động của con người. “Trước đây, những đồng lúa chung quanh Tràm Chim người dân chỉ canh tác một vài vụ mỗi năm, nếu trong vườn không đủ thức ăn, sếu còn có thể kiếm ăn ở những khu đồng trống. Nhưng giờ người dân trồng lúa đến ba vụ, nguồn thức ăn cho sếu bị thu hẹp”, ông Nhanh giải thích.

Về xác của cá thể sếu đầu đỏ đực vừa chết, Phó giám đốc Đoàn Văn Nhanh cho biết, Vườn quốc gia Tràm Chim đang có dự định chế tác thành tiêu bản để phục vụ công tác bảo tồn, đồng thời trưng bày để du khách tham quan chiêm ngưỡng khi không có dịp ngắm sếu đầu đỏ đang bay lượn trên đất Tràm Chim.


THẢO LÊ

Web designed on www.saco.vn

Top