Ban soạn thảo môn Ngữ văn trong Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đổi mới toàn diện từ mục tiêu, nội dung, cách xây dựng chương trình cho tới phương pháp giảng dạy, phương pháp kiểm tra đánh giá, hướng tới hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Theo PGS, TS Ðỗ Ngọc Thống, Chủ biên chương trình môn Ngữ văn, điểm khác biệt nhất so với trước đây là nội dung Chương trình Ngữ văn lần này được xây dựng xuất phát từ các phẩm chất và năng lực cần có của người học. Các yêu cầu cần đạt của mỗi lớp tập trung vào bốn kỹ năng: đọc, viết, nói và nghe. Ðọc bao gồm yêu cầu đọc đúng và đọc hiểu. Ðọc hiểu yêu cầu hiểu văn bản (trong đó có cả đọc thẩm mỹ, cảm thụ, thưởng thức và đánh giá) và hiểu chính mình (người đọc). Viết không chỉ yêu cầu học sinh biết viết chữ, viết câu, viết đoạn mà còn tạo ra được các kiểu văn bản thông dụng, văn bản phức tạp hơn. Nói và nghe căn cứ vào nội dung của đọc và viết để luyện tập cho học sinh trình bày, nói và nghe tự tin, có hiệu quả; từ nói đúng đến nói hay.
Chương trình được xây dựng theo hướng mở, do đó, Ban soạn thảo chỉ nêu sáu tác phẩm bắt buộc đối với học sinh THCS và THPT: Bài thơ Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Truyện Kiều, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Tuyên ngôn độc lập. Còn lại chỉ liệt kê danh sách các tác giả, tác phẩm gợi ý, khuyến nghị các nhà biên soạn sách giáo khoa và giáo viên lựa chọn.
Theo chuyên gia giáo dục Phạm Quang Long, Trường đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia Hà Nội), chương trình được soạn thảo công phu theo hướng đổi mới toàn diện, nhất quán. Tuy nhiên, ban soạn thảo đã đặt ra yêu cầu kiến thức cao. Những tri thức về thể loại văn học, các yếu tố của tác phẩm văn học, nghĩa hàm ẩn, nghĩa tường minh cần giới hạn rõ ràng hơn. Một văn bản đọc hiểu mà nhiều nghĩa hàm ẩn là không phù hợp, trong khi đó, chương trình nhấn mạnh yêu cầu đọc hiểu. Các chuyên đề của giáo dục hướng nghiệp (kiến thức về lịch sử văn hóa dân tộc), yêu cầu cần đạt cao nhưng nội dung chuyên đề khó đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, GS, TS Lã Nhâm Thìn, Khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng chương trình cần có những quy định về nội dung dạy học, yêu cầu cần đạt về giáo dục thẩm mỹ, giáo dục tư tưởng mà không chỉ đơn thuần về đọc, viết, nói, nghe.
Chung quanh dự thảo chỉ đưa ra sáu tác phẩm văn học bắt buộc, GS, TS Ðinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương cho biết, dự thảo được soạn thảo công phu nhưng cần xây dựng giản dị, dễ hiểu, ngắn gọn hơn. Ở phần mục tiêu, yêu cầu cần đạt có nhiều nội dung trùng lặp; có những đoạn nội dung rất chung chung, gần giống nhau khi viết cho các cấp học khác nhau. Ðồng thời, ban soạn thảo cần cân nhắc việc sử dụng từ ngữ, thuật ngữ, cách diễn đạt bảo đảm tính chính xác. Nếu chỉ có sáu tác phẩm bắt buộc và phần còn lại tự chọn tác phẩm tương tự sẽ dẫn tới năm nào thi tốt nghiệp, học sinh cũng chỉ thi trong phạm vi sáu tác phẩm đó. Việc lựa chọn các tác phẩm gợi ý cũng chưa phù hợp, đó là văn học dân gian Việt Nam (với nhiều thể loại) chỉ gợi ý năm truyện cười, bốn truyện cổ tích, thần thoại; chỉ có một đến hai tác phẩm văn học các dân tộc thiểu số trong khi tới vài chục tác phẩm văn học nước ngoài. Bên cạnh đó, các tác giả văn học được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh không có tên trong danh sách gợi ý. Tiến trình văn học Việt Nam diễn ra hơn mười thế kỷ, là một quá trình phát triển không chỉ về tư duy nghệ thuật mà còn phản ánh sự phát triển của cả nền văn học gắn với lịch sử dân tộc. Vì vậy, từ lớp một đến lớp chín, có thể lựa chọn văn bản hay, xuất sắc, phù hợp lứa tuổi học sinh mà không cần theo tiến trình dân tộc. Song, từ lớp 10 đến lớp 12, chương trình cần sắp xếp theo tiến trình lịch sử văn học qua việc lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu. Bởi vì ở độ tuổi THPT, học sinh có thể và cần hiểu biết văn học theo tiến trình của nó, qua đó giúp các em hiểu được sự vận động, phát triển tư duy tâm hồn con người Việt Nam và hiểu được cả lịch sử dân tộc qua văn học.
PGS, TS Lê Quang Hưng (Trường đại học Sư phạm Hà Nội) góp ý, ban soạn thảo cần đầu tư nhiều hơn phần nội dung dạy học; xác định rõ khung chuẩn kiến thức, kỹ năng. Không nên dựa trên nguyên tắc chương trình được xây dựng theo hướng mở mà né tránh việc xác định chuẩn. PGS, TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương cho biết, qua một số lần đóng góp ý kiến vào Dự thảo chương trình môn học Ngữ văn, lần góp ý gần đây được đánh giá có nhiều nội dung tốt, đi sâu vào phân tích, đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế. Các ý kiến tập trung vào cấu trúc chương trình; cân nhắc "phần cứng, phần mở" để phù hợp thực tiễn; tăng phần kiến thức về lịch sử văn học; làm rõ tiêu chí lựa chọn tác giả, tác phẩm, nhất là tác phẩm viết về biển, đảo chưa được đề cập và lồng ghép.
Chương trình môn học là căn cứ pháp lý để biên soạn, viết sách giáo khoa. Vì vậy, ban soạn thảo chương trình cần mở nhiều kênh tiếp nhận ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học để chương trình môn Ngữ văn đạt yêu cầu đề ra.
Quý Tùng