Theo thống kê ban đầu của cơ quan chức năng, có 429 hộp gỗ từ nhóm II đến nhóm VI, trong đó chủ yếu là gỗ táu nhóm II bị chặt hạ tại nhiều địa điểm, sau đó tập kết về tiểu khu 19 thuộc địa phận xã Thanh Hóa nhưng chưa kịp vận chuyển ra khỏi cửa rừng. Tổng khối lượng gỗ bị khai thác trái phép là 97 m3. Mỗi hộp gỗ dài hơn 3 m, nhiều hộp được đan kết với nhau để dễ dàng kéo ra khỏi rừng bằng đường thủy và đưa về xuôi tiêu thụ. Hiện trường số gỗ bị chặt hạ trái phép này cho thấy, vụ phá rừng xảy ra trong thời gian khá dài, có quy mô lớn và có tổ chức. UBND huyện Tuyên Hóa đã chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa khẩn trương xây dựng phương án thu gom, vận chuyển số gỗ trình UBND huyện phê duyệt và triển khai ngay công tác thu hồi toàn bộ số gỗ là tang vật của vụ vi phạm để xử lý theo quy định. Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa được giao phối hợp điều tra, truy tìm đối tượng phá rừng để xử lý theo quy định pháp luật.
Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa Trương Khánh Bằng cho biết: “Do địa hình nơi xảy ra vụ việc hiểm trở, giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh cho nên công việc thu gom tang vật và điều tra thủ phạm phá rừng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện đơn vị đang tích cực phối hợp với công an huyện để điều tra, truy tìm thủ phạm, đồng thời tăng cường lực lượng hỗ trợ cho Ban quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa thu gom, bảo vệ gỗ tang vật trong quá trình vận chuyển và ngay tại nơi tập kết”.
Theo chỉ đạo của UBND huyện Tuyên Hóa, trước mắt, số gỗ tang vật được vận chuyển về Trạm bảo vệ rừng Khe Núng và Trạm Kiểm lâm Ka Tang trên thượng nguồn sông Gianh để bảo quản chờ hướng xử lý tiếp theo. Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Tuyên Hóa Nguyễn Minh Yên cho biết, với gần 100 m3 gỗ khai thác trái phép tại vùng rừng hiểm trở, việc vận chuyển thu gom gỗ gặp rất nhiều khó khăn. Ngay trong mấy ngày Tết Nguyên đán vừa qua, đơn vị phải cử lực lượng trực ngay tại hiện trường để bảo vệ gỗ tang vật. Việc chuyển gỗ chỉ có một cách duy nhất là buộc săm ô-tô vào từng hộp gỗ rồi kéo theo khe suối, đến chỗ suối sâu thì buộc gỗ nối nhau thành dãy dài kéo ra thượng nguồn sông Gianh để đưa về địa điểm tập kết. Do công việc nặng nhọc và mất nhiều thời gian, Ban quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa đã phải thuê người dân địa phương kéo gỗ từ tiểu khu 19 về nơi bảo quản, bảo vệ.
Dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao một vụ phá rừng có quy mô, xảy ra trong thời gian dài như vậy nhưng việc phát hiện, xử lý lại quá chậm chạp. Trong khi trên địa bàn vùng Thanh Hóa, Hương Hóa, Lâm Hóa có đầy đủ các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Liên quan đến vụ việc, ngày 20-3 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Ðăng Quang đã có buổi làm việc với các ngành và UBND huyện Tuyên Hóa để chỉ đạo các biện pháp xử lý. Trước mắt, UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo UBND huyện Tuyên Hóa và các ngành chức năng khẩn trương đưa số gỗ còn lại về điểm tập kết trước ngày 10-4. Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tuyên Hóa kịp thời điều tra, xác minh các đối tượng, khởi tố vụ án hình sự theo quy định. Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tuyên Hóa hoàn thành các thủ tục theo chức năng ban đầu, chuyển cơ quan Cảnh sát điều tra làm rõ vụ việc. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và huyện Tuyên Hóa làm rõ trách nhiệm và có hình thức kỷ luật các tập thể, cá nhân liên quan
Bài, ảnh: Hương Giang và Phùng Văn