Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

Nhiều lỗ hổng trong quản lý thị trường mỹ phẩm

Việt Nam đã trở thành một thị trường hấp dẫn các nhà sản xuất và phân phối mỹ phẩm do nhu cầu sử dụng người Việt đang có xu hướng gia tăng. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm đã được Chính phủ tạo nhiều thuận lợi thông qua việc ban hành Nghị định số 93/2016/ NĐ–CP quy định về điều kiện sản xuất mỹ phẩm ngày 1-7-2016.

Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn không ít các doanh nghiệp lợi dụng các “lỗ hổng” để kinh doanh chộp giật, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến kinh doanh mỹ phẩm chân chính. Các lực lượng chức năng đã bắt giữ rất nhiều các lô hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, các sản phẩm nhái nhãn mác, phản ánh phần nào những bất cập và kẽ hở trong công tác quản lý. Vụ việc nổi cộm gần đây nhất là việc Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) bắt được lô mỹ phẩm giả trị giá 11 tỷ đồng của Công ty TS Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng phòng Mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, pháp luật hiện nay tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ cần công bố cho cơ quan quản lý nhà nước là sẽ đưa sản phẩm ra thị trường, đồng thời chỉ cần cam kết không có những chất cấm, không được sử dụng là có thể được hoạt động.

Cơ quan quản lý cũng phân cấp, phân quyền quản lý hoạt động của doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm tối đa đến các sở y tế, các địa phương. Chính vì vậy, với những mỹ phẩm từ nước ngoài vào Việt Nam do Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế quản lý; mỹ phẩm trong nước do Sở Y tế quản lý.

Tuy nhiên, ông Lợi cho biết: "Việc cho doanh nghiệp một cơ chế thông thoáng như vậy bao giờ cũng có những mặt trái, bất cập. Cụ thể là Cục quản lý Dược đã tiến hành nhiều đoàn kiểm tra trên thị trường, cơ bản các doanh nghiệp đã nắm bắt được các quy định của nhà nước, tuy nhiên vẫn còn nhiều sai phạm trong công tác quản lý như: Công thức trong mỹ phẩm không đúng với đăng ký với cơ quan quản lý, không đúng địa điểm sản xuất... Tất cả đều bị xử phạt nghiêm".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, bản thân chính sách có lỗ hổng. Việc áp dụng hậu kiểm theo cam kết hội nhập thế giới dẫn tới việc, các doanh nghiệp cứ tung sản phẩm ra thị trường, khi phát hiện ra sản phẩm giả thì đã thiệt hại cho người tiêu dùng.

"Chúng ta theo cam kết ASEAN, tuy nhiên cũng phải có cách nào để kiểm soát, sàng lọc các sản phẩm khi đưa ra thị trường, bởi cơ quan thực thi không thể phân biệt được hết. Đặc biệt, các tổ chức cá nhân kinh doanh chân chính nhiều, nhưng lại có nhiều đơn vị biết luật nhưng vẫn trốn tránh, làm hàng giả, giả từ mẫu mã, giá tiền... núp bóng dưới những sản phẩm có sẵn trên thị trường. Do đó, người sản xuất và bán có tâm lý làm giả mang lợi nhuận nhanh, chi phí rẻ, bán rẻ sẽ nhiều người mua", ông Hùng nói.

Cần sự phối hợp từ chính quyền các địa phương

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường nhấn mạnh: “lỗ hổng mỹ phẩm hiện nay trên thị trường vẫn trọng điểm ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh”. Và người dân, đang chịu thiệt thòi trăm bề từ việc tin vào những mỹ phẩm quảng cáo của nhiều hãng nổi tiếng, nhưng thực chất, là đang dùng phải hàng giả, hàng nhái.

ThS Nguyễn Thị Hương Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sao Thái Dương cho biết, hiện nay, bản thân đơn vị sản xuất chưa ý thức được trách nhiệm của mình khi sản xuất sản phẩm để lưu thông sản phẩm trên thị trường. Họ chưa nắm được, sản xuất kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam không chỉ tuân thủ tiêu chuẩn, hướng dẫn của Bộ Y tế mà còn tuân thủ Bộ quy chuẩn của khu vực và thế giới yêu cầu.

Bà Liên bức xúc nói “hàng handmade hiện nay rất phát triển nhờ xu hướng bán hàng online phát triển mạnh. Hàng handmade thường được sản xuất tại các cơ sở nhỏ, chỉ cần phòng thí nghiệm nhỏ nên việc kiểm soát về vi sinh vật, độ ẩm không khí,… chắc chắn sẽ không được tốt bằng các cơ sở được trang bị kỹ thuật kỹ càng. Vì vậy giá thành chắc chắn giá sẽ rẻ, cạnh tranh lớn với sản phẩm của các hãng lớn có đầu tư nhà máy, quản lý chất lượng, nhân sự,... Đây chính là rào cản cho doanh nghiệp dám dũng cảm tiến lên xây dựng sản phẩm một cách bài bản”.

 

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương).

Từ khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm trong lĩnh vực mỹ phẩm, cơ quan quản lý chưa kịp bắt nhịp, làm đúng làm đủ theo kiểu hậu kiểm. “Nếu làm đúng, làm đủ thì các doanh nghiệp khi tự công bố cũng run tay, không dám công bố các số liệu vống lên”, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh nói.

Để tăng cường sự phối kết hợp của các cơ quan quản lý trong việc thanh tra, kiểm tra mỹ phẩm, ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho rằng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp đấu tranh chống hàng giả. Bởi trên thực tế, người giàu sẽ ra nước ngoài mua hàng, sẽ ít gặp phải hàng giả. Trong khi đó, người nghèo là đối tượng bị tác động nhiều nhất, đặc biệt, chị em phụ nữ nông thôn là người tiêu thụ lượng lớn hàng giá rẻ này. Vì thế, theo ông Hùng, cần phải nâng cao vai trò của cơ sở, phường xã trong công tác quản lý thị trường mỹ phẩm.

"Chúng tôi nhận thấy công tác phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan nhà nước còn chưa được chặt chẽ. Có những cơ quan vẫn còn giữ kín thông tin. Như chúng tôi có sự vụ đều công khai, mở toang xuống tận các chi cục, các đội. Do đó, phải dám làm và làm công khai để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng", ông Hùng nhấn mạnh.

* Tăng cường phối hợp "dẹp loạn" thị trường thực phẩm chức năng

THIÊN LAM

Web designed on www.saco.vn

Top