Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

"Đưa trường học đến thí sinh 2018" tại Bạc Liêu: Ở miền Tây nên chọn thủy sản hay cơ Sáng 18-3, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh 2018" do Báo Người Lao Động tổ chức, diễn ra tại Trường ĐH Bạc Liêu (TP Bạc Liêu) với sự tham gia của học sinh của các trường THPT: Phan Ngọc Hiển, Lê Thị Riêng, Hiệp Thành, Lê Văn Đẩu, Vĩnh Hưng, Dân tộc Nội trú tỉnh và Trung tâm GDTX tỉnh Bạc Liêu... Chương trình do Công ty CP Phân bón Bình Điền, Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Cáp treo Bà Nà tài trợ và được Đài Phát thanh - Truyền hình Bạc Liêu truyền hình trực tiếp.


Học trường gần, ăn cơm nhà

Buổi tư vấn tại Bạc Liêu thể hiện rõ là "sân chơi" của nhiều trường địa phương như: ĐH Bạc Liêu, ĐH Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ, CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu, CĐ nghề Bạc Liêu… và trong câu hỏi của thí sinh luôn dành sự ưu tiên đến các trường này. Trả lời câu hỏi liệu Trường ĐH Bạc Liêu có đào tạo ngành xây dựng, NGƯT-TS Trần Văn Chiêu, hiệu trưởng nhà trường, cho biết hiện trường chưa đào tạo ngành này nhưng theo ông, cơ hội việc làm của ngành này rất rộng mở. Trong 12 ngành đào tạo của trường, nuôi trồng thủy sản là ngành mũi nhọn. "Lượng sinh viên ra trường cung cấp không đủ cho doanh nghiệp. Có em mới ra trường lương đã 7 triệu đồng/tháng, bao ăn ở" - ông nói.

Đưa trường học đến thí sinh 2018 tại Bạc Liêu: Ở miền Tây nên chọn thủy sản hay cơ khí? - Ảnh 1.
Học sinh ở Bạc Liêu đặt câu hỏi cho ban tư vấn Ảnh: HUY LÂN

Cũng quan tâm nhóm ngành nghề địa phương đang cần, một thí sinh cho biết muốn học ngành nuôi trồng thủy sản tại Trường ĐH Nông Lâm TP HCM nhưng sợ không đủ điểm. Em hỏi: Nếu không trúng tuyển ở TP HCM thì cơ hội học ở phân hiệu ra sao? Trả lời câu hỏi này, TS Trần Đình Lý, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm, khuyên trước khi chọn ngành, thí sinh hãy lấy gốc là hướng nghiệp xem có phù hợp hay không, sau đó, các em xem ngành này có ở trường nào. Hiện nay, nhiều trường đào tạo ngành nuôi trồng thủy sản như: ĐH Nông Lâm, ĐH Cần Thơ, ĐH Bạc Liêu. Nếu các điều kiện đều thỏa thì có thể cân nhắc ưu tiên trường gần nhà "ăn cơm nhà" lấy bằng ĐH. Năm nay, Trường ĐH Nông Lâm mở rộng vùng tuyển trên cả nước ở cả 2 phân hiệu. Nếu điểm vào nuôi trồng thủy sản tại cơ sở chính không đủ thì các em có thể đăng ký vào phân hiệu Ninh Thuận.

Một số câu hỏi khác đi vào ngành nghề ở các trường ĐH danh tiếng tại TP HCM. Tuy nhiên, chuyên gia các trường ĐH cũng ưu tiên giới thiệu cho các trường tại địa phương. Cụ thể, giải đáp thắc mắc sự khác biệt giữa ngành quản trị kinh doanh và kinh doanh quốc tế, ThS Phạm Thế Vinh, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết khi đậu vào ngành quản trị kinh doanh, các em sẽ được truyền đạt kiến thức nền tảng quản trị kinh doanh tổng hợp gồm: quản trị nhân sự, quản trị chiến lược, quản trị đầu tư, quản trị marketing, dự án… Trong khi đó, ngành quản trị kinh doanh quốc tế có tầm bao phủ rộng hơn, phạm vi lớn hơn, đòi hỏi những tố chất như: Tầm nhìn, khả năng bao quát thị trường, ngoại ngữ… "Không những các trường ở TP HCM mà các trường ở ĐBSCL đều có đào tạo 2 ngành này, các em nên lựa chọn kỹ để học được trường hợp lý, phù hợp hoàn cảnh" - ThS Vinh tư vấn.

Tại sao CĐ có việc, ĐH thất nghiệp?

Ngoài những câu hỏi liên quan ngành nghề địa phương, chương trình còn thu hút nhiều câu hỏi lắt léo, sâu sắc. Một thí sinh đặt câu hỏi trực tiếp cho ban tư vấn về việc tại sao có nghịch lý: Hiện nay, nhiều trường CĐ, trung cấp chỉ tuyển thí sinh tốt nghiệp THPT không cần thi, bảo đảm việc làm. Trong khi đó, nhiều cử nhân ĐH, thạc sĩ ra trường mà vẫn thất nghiệp? Ông Phạm Thanh Bình, Trưởng Phòng Quan hệ Doanh nghiệp Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, lý giải tất cả các trường đều mong muốn sinh viên của mình ra trường có việc làm song thời gian gần đây, nhiều sinh viên khi tuyển dụng vào các công ty gặp khó khăn ban đầu hoặc lương bổng chưa như ý muốn, đâm ra nản, dẫn đến bỏ việc, thất nghiệp chứ xã hội không bao giờ thiếu việc. "Việc chọn bậc học ĐH hay CĐ, các em dựa vào năng lực của bản thân (học tập, sức khỏe, tài chính)" - ông Bình khuyên.

Học sinh Trần Hưng Hiệp, từ Trường THPT Vĩnh Hưng, thắc mắc về ngành cơ khí Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM kèm theo câu hỏi "độc": Ngành này 50 năm nữa còn "hot" không? PGS-TS Trương Nguyễn Luân Vũ, Phó trưởng Khoa Chế tạo máy Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết cơ khí là ngành lâu đời nhất của trường. Trong những năm gần đây, số sinh viên đăng ký nằm trong tốp đầu. Nhóm ngành này có các chuyên ngành như: Chế tạo cơ khí, chế tạo máy, cơ - điện tử. Điểm sàn năm ngoái từ 24,5 điểm. "Thời công nghiệp 4.0, cơ khí nằm trong nhóm ngành công nghiệp phát triển. Do đó, 50 năm nữa ngành này sẽ là ngành chủ lực nhằm sản xuất ra các loại robot thay thế con người…" - PGS Vũ nhấn mạnh.

Trước câu hỏi của một học sinh liệu chọn khối C thì nên theo hướng đi nào, bà Phạm Thị Vân, Trưởng Phòng Tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, gợi ý: Nếu học khối C, các em có thể thi vào nhóm ngành tâm lý, truyền thông, văn học… Các em có thể làm việc tại các cơ quan hành chính, làm quản trị nhân sự, các cơ quan truyền thông... khí?

Web designed on www.saco.vn

Top