Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

Chúng ta hãy tự vấn đã từng quỳ và đang sống trong bối cảnh sẵn sàng quỳ hay không? Phải thấy hổ thẹn và tự tạo cho mình ưu thế để không phải quỳ trước cuộc sống
Giáo viên (GV) bắt học sinh (HS) quỳ, rồi phụ huynh gây áp lực buộc GV quỳ, cận cảnh sự việc tưởng chừng như một phương thức trả đũa. Nếu có đủ độ lùi cần thiết sẽ thấy đây là quan hệ giáo dục và hệ quả tất yếu của nó.

Nền giáo dục chậm tiến

Trừng phạt chưa bao giờ là phương pháp của giáo dục hiện đại. Dấu ấn của sự trừng phạt từ lớp học sẽ làm nản lòng những bước chân muốn đến trường.

Mái trường với HS có thể sẽ trở thành nơi đáng sợ với đủ cách đối phó để không phải bị phạt mà lơ là mục đích tối cao là học hỏi. Những sai lầm của GV trong việc muốn "thuần phục" HS sẽ làm thui chột bất cứ ý tưởng nào muốn thể hiện bản thân và phát huy năng lực của HS. Khi vượt qua các kỳ học, HS sẽ mang theo trong đời hành trang là sự ngán ngẩm chứ không phải là kiến thức hay văn hóa nền tảng.

Phụ huynh ép cô giáo quỳ: Hãy đứng thẳng, đừng quỳ gối! - Ảnh 1.
Trường Tiểu học Bình Chánh (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), nơi xảy ra vụ việc Ảnh: MINH SƠN

Trong chuyện cô giáo quỳ trước mặt phụ huynh mà dư luận đang quan tâm, giáo viên này đã sai và có thể đau xót hơn, chính cô là người từng bị phạt quỳ khi mắc lỗi. Khi bắt HS quỳ, cô không nhận ra mình sai và nếu có nhận ra cũng không quá quan tâm đến hậu quả đối với HS.

Phụ huynh gây áp lực buộc cô giáo quỳ là cách hành xử sai lầm để sửa chữa một sai lầm đã xảy ra. Hành động này hoàn toàn phản giáo dục trong mắt HS, bởi chính đây là sự trả đũa những gì mình nhận được dù đúng hay sai. Cách nghĩ này nếu không được sớm điều chỉnh sẽ tạo ra một công dân nguy hại, hành xử cá nhân không vì người khác. Hành vi của phụ huynh dễ dàng được con mình lặp lại trong tương lai.

Trong ngữ cảnh cụ thể này, người cha có thể đã nhận được một cách giáo dục không như mong đợi. Ông ta bất chấp hậu quả để bênh vực những gì thuộc về mình, kể cả hạ nhục người khác. Trong cuộc sống hiện nay, không ít người cha lớn lên trong nền giáo dục roi vọt cũng sẽ hành xử theo cách này. Trách cứ cũng sẽ chẳng giải quyết được vấn đề vốn mang tính "di căn" từ nền giáo dục lỗi thời. Hậu quả hiển nhiên và lớn nhất chính là cậu bé bị bắt quỳ kia.

Câu chuyện trên chỉ là một lát cắt xót xa cho thực trạng lớn hơn chính là nền giáo dục chậm tiến hiện nay. Trong khi thế giới đang phát triển nền giáo dục tôn trọng cá nhân, phát huy hết khả năng vốn có của từng HS và tạo điều kiện tối đa cho từng cá thể cống hiến năng lực thì chúng ta mới bước qua giai đoạn xóa mù chữ và loay hoay với giáo dục cùng khuôn khổ.

Hai bông hoa không thể giống hệt nhau thì làm gì có 2 con người khuôn rập tư duy và năng lực? Thế nhưng, giáo dục từ cấp mầm non cho đến đại học hiện nay vẫn là "cá mè một lứa", căn bản vẫn một chương trình cho tất cả, học và bình xét các môn như nhau. HS có một khả năng vượt trội nào đó dễ trở thành dị biệt. Dù HS xuất sắc một môn học nào đó nhưng kém cỏi ở một môn khác thì khả năng ở lại lớp hoặc không vào được đại học là rất hiển hiện.

Giáo dục theo kiểu đại đồng

Hãy thử hình dung tại Phần Lan, từ lớp 1 đến lớp 3 không chấm điểm. Sau lớp 3 đến lớp 7, các bài tập chỉ được đánh giá "có thể làm tốt hơn" đến "hoàn hảo". Toàn bộ chi phí học tập, ăn trưa tại trường miễn phí, HS nhà xa hơn 2 km có xe buýt đưa đón, hầu như chẳng có bài tập về nhà. Khi một đứa bé lần đầu tiên đến lớp, cậu sẽ được hỏi "em muốn học gì", chứ không phải "đây là những môn em phải học". Điểm số chẳng phản ánh được khả năng gì của HS trong nền giáo dục này bởi đây là học hỏi và tạo cuộc sống hạnh phúc chứ không phải thi thố. Tất cả trường học trên toàn quốc đều như nhau, cùng chất lượng.

Khi một nhà giáo dục người Mỹ đặt vấn đề trường công, trường tư, trường chất lượng cao..., một nhà giáo dục Phần Lan khẳng định: "Tất cả trường đều tốt. Tất cả HS đều có chung môi trường giáo dục. Khi lớn lên, trước khi chúng muốn bóc lột ai thì luôn hiểu đó có thể là bạn học của mình".

Giáo dục theo kiểu đại đồng thì chúng ta làm gì còn hy vọng có những con người xuất sắc trên lĩnh vực mà họ có tố chất nhất? Đào tạo đại học hoặc sau đại học cũng thế, đầy tính phong trào và miễn cưỡng. Bởi thế, mới có chỉ tiêu tốt nghiệp hằng năm, mới có đề án bao nhiêu tiến sĩ, bao nhiêu giáo sư... trong khoảng thời gian nhất định.

Trở lại câu chuyện cô giáo bị quỳ, trước khi xét, chúng ta hãy tự vấn đã từng quỳ và đang sống trong bối cảnh sẵn sàng quỳ hay không. Nếu thấy hổ thẹn và tự tạo cho mình ưu thế để không phải quỳ trước cuộc sống thì câu chuyện như trên sẽ không bao giờ xảy ra, tạo ra hệ quả của nền giáo dục nâng đỡ để mọi người đứng thẳng người, có được vị thế trong cuộc đời.

Web designed on www.saco.vn

Top