Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Campuchia Chhum Socheat cho biết ông Manet, hiện là Phó Tư lệnh RCAF, đã thay thế cho tướng Kun Kim do "vấn đề cá nhân" nên rời khỏi chức vụ.
"Vì một vấn đề cá nhân quan trọng, tôi sẽ trao toàn quyền tham mưu trưởng cho trung tướng Hun Manet đảm nhận kể từ ngày ký" – tướng Kim viết trong bức thư ký ngày 21-2. Theo Reuters, ông Kim đang nghỉ bệnh.
Tư lệnh RCAF, tướng Pol Saroeun, đã xác nhận bức thư này vào ngày 23-2.
Con trai cả Thủ tướng Hun Sen thêm chức cao - Ảnh 1.
Trung tướng Hun Manet. Ảnh: Khmer Times
Bộ trưởng Quốc phòng Tea Banh cho rằng việc chuyển giao quyền lực và vai trò trong quân đội không phải là chuyện hiếm. "Đó là một vấn đề bình thường" - ông nói. "Khi họ bận, họ bàn giao nhiệm vụ cho người khác tiếp quản".
Tướng Manet gia nhập quân đội vào năm 1995, cùng thời điểm theo học tại Học viện Quân sự Mỹ ở West Point. Năm 2008, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Lực lượng Đặc nhiệm chống khủng bố Quốc gia Campuchia.
Tướng Manet đóng vai trò nổi bật trong các cuộc đàm phán giữa Campuchia và Thái Lan xoay quanh tranh chấp ngôi đền Preah Vihear hồi năm 2008.
Nhà phân tích chính trị Lao Mong Hay nhận định ông Manet có thể trở thành người đứng đầu toàn bộ lực lượng vũ trang Campuchia trong tương lai.
Con trai cả Thủ tướng Hun Sen thêm chức cao - Ảnh 2.
Ông Manet thay thế vị trí của tướng Kun Kim (giữa). Ảnh: Khmer Times
Hồi tháng 1, Thủ tướng Hun Sen cũng bổ nhiệm con rể làm phó cảnh sát trưởng quốc gia. Trước đó, tháng 12 năm ngoái, con trai út của ông được thăng cấp bậc đại tá trong đội vệ sĩ của cha mình.
Động thái trên của nhà lãnh đạo Campuchia diễn ra trước thời điểm cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào tháng 7 tới. Nhiều nhà bình luận cho rằng Thủ tướng Hun Sen sẽ giành chiến thắng dễ dàng sau khi Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) bị Tòa án tối cao giải thể vào tháng 11-2017 theo yêu cầu của chính phủ.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và một số nước khác chỉ trích diễn biến trên. Washington đầu tuần này tuyên bố họ đang đình chỉ hoặc cắt giảm một số chương trình viện trợ dành cho Phnom Penh.
Phạm Nghĩa (Theo Reuters, Khmer Times)