Thời gian qua, một số đối tượng lợi dụng thành tựu của khoa học, công nghệ để thực hiện tội phạm. Một số cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã lợi dụng kinh doanh đa cấp, huy động vốn trái phép… để lừa đảo, thu lợi bất chính hàng trăm tỷ đồng. Bạn đọc kiến nghị các cấp chính quyền, ngành chức năng cần có biện pháp xử lý nghiêm các đối tượng này.
Anh Phan Hà ở phường Khương Trung (Thanh Xuân, Hà Nội) phản ánh, giữa tháng 1-2018 vừa qua, anh liên tục nhận được thông tin từ facebook thông báo: Xin chúc mừng tài khoản facebook của bạn đã may mắn nhận được giải nhất từ sự kiện tuần lễ vàng tri ân khách hàng năm 2017. Mã số trúng thưởng là TK 13979. Phần quà giải nhất của bạn gồm trúng thưởng xe máy SH, 200 triệu đồng… Giải thưởng do CTCP xe máy và tập đoàn mạng xã hội facebook tài trợ. Khách hàng cần đăng ký làm thủ tục hồ sơ nhận thưởng theo hướng dẫn Hopthumat123.com… Khi vào hộp thư này, khách hàng phải khai rất nhiều thông tin và phải gửi từ ba đến năm triệu đồng hoặc thẻ cào điện thoại mệnh giá cao để nhận được phần thưởng. Rồi sau đó tài khoản riêng bị hacker lấy hết dữ liệu.
Bạn đọc Ma Thế T. ở huyện Định Hóa (Thái Nguyên) đang có nhu cầu tìm việc làm. Qua tìm hiểu thông tin trên trang www.muaban.net, anh T thấy có nơi tuyển, công việc phù hợp với mức lương chín triệu đồng/tháng. Sau đó, anh liên hệ đến số điện thoại 0981.137.xxx gặp cán bộ nhân sự của một công ty tên là Sơn ở phòng 403, tòa nhà Licogi 18.6 thị trấn Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) để tư vấn. Sau khi tư vấn về chế độ tiền lương, tiền thưởng, anh T nộp một triệu đồng lệ phí tuyển dụng và được Sơn hẹn hai ngày sau đến ký hợp đồng lao động. Đúng hẹn anh T đến nhưng công ty đã chuyển đi nơi khác, điện thoại di động của Sơn đã tắt máy. Qua tìm hiểu thì được biết, không chỉ anh T mà hàng trăm người ở các tỉnh cũng bị đối tượng Sơn lừa đảo, chiếm đoạt tiền bằng hình thức nêu trên.
Trao đổi với một số lãnh đạo cơ quan chức năng, chúng tôi được biết, lợi dụng sự hám lợi nhưng thiếu hiểu biết của người dân, thời gian gần đây nhiều người đã thành lập các hệ thống kinh doanh trên in-tơ-nét theo mô hình đa cấp. Để thu hút người tham gia, những đối tượng này thường đưa ra các mức lãi suất "khủng", Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã phối hợp công an một số đơn vị, địa phương đánh “sập” nhiều đường dây kinh doanh đa cấp lừa đảo này. Cơ quan công an đã tạm giữ các đối tượng: Nguyễn Thị Minh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phương Thái An, ở phường Tân Hiệp (TP Biên Hòa, Đồng Nai); Phạm Thanh Toàn, Tổng Giám đốc công ty và Hồ Đình Phú, ở xã Phú Hội (Đức Trọng, Lâm Đồng) để điều tra về hành vi sử dụng mạng in-tơ-nét để chiếm đoạt tài sản. Với thủ đoạn lập trang web www.hero8.org kêu gọi khách hàng ở nhiều tỉnh, thành phố tham gia góp vốn vào công ty. Nhưng thực tế, chúng không dùng tiền này vào mục đích kinh doanh, mà chỉ sử dụng tiền của người tham gia sau vào hệ thống trả cho người tham gia trước. Các khách hàng tham gia hệ thống phải đầu tư mười triệu đồng, sẽ được cấp một mã gọi là ID. Theo mô hình giới thiệu, cứ năm ngày mỗi cá nhân tham gia một mã sẽ được nhận 2.200.000 đồng gọi là GH và được nhận tất cả 18 đợt. Trong 90 ngày, nếu đầu tư 10 triệu đồng thì khách hàng nhận được 39 triệu đồng lãi, bằng 130%/tháng. Lợi nhuận “khủng” này đã làm mê muội nhiều khách hàng. Đến thời điểm bị bắt giữ, các đối tượng khai nhận đã có 14.637 mã ID của thành viên kích hoạt tham gia thực tế và có tới hơn một nghìn nạn nhân đã chuyển hơn 130 tỷ đồng vào tài khoản của các đối tượng này.
Cũng với thủ đoạn như trên, Công ty Tâm Mặt Trời có trụ sở tại quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh), dù không có chức năng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh sàn giao dịch thương mại điện tử, nhưng vẫn tự nhận là thành viên của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam và sử dụng trang www.emt.vn chào bán các gian hàng ảo. Mỗi người chơi khi tham gia phải đóng sáu triệu đồng cho một gian hàng ảo. Các hội viên giới thiệu thêm được một hội viên mới sẽ được hưởng 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế, người tham gia không hề được mua bất cứ loại hàng hóa nào cũng như thưởng tiền qua việc lôi kéo thêm người tham gia. Công ty này đã mở rộng chi nhánh ở 30 tỉnh, thành phố lôi kéo được 39 nghìn hội viên, bán hơn 23 nghìn gian hàng ảo thu 122 tỷ đồng.
Một cán bộ công an cho biết, trong thời gian qua, nhiều vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng đã bị công an triệt phá… nhưng hình thức kinh doanh đa cấp trên mạng vẫn là “chiếc bánh ngọt” tiềm năng để các đối tượng tiếp tục lợi dụng, lừa đảo. Để tạo lòng tin và lôi kéo được nhiều người tham gia, các công ty lừa đảo này thường thuê những khách sạn sang trọng để tổ chức hội thảo, vinh danh khách hàng. Các đơn vị này còn mời các cán bộ, lãnh đạo công tác tại một số cơ quan công quyền tham dự. Khi không còn khả năng thanh toán hoặc khi đã gom được số tiền lớn, chủ các doanh nghiệp đa cấp trá hình này sẽ cho sập trang web và bỏ trốn, hoặc lại lập trang web mới để tránh bị cơ quan công an phát hiện.
Hoạt động bán hàng đa cấp trực tuyến tại Việt Nam hiện nay cho thấy, quy định của pháp luật còn thiếu chặt chẽ, chưa xác định và bảo đảm trách nhiệm tài chính của chủ doanh nghiệp kinh doanh đa cấp. Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính chưa tiến hành thường xuyên để kịp thời phát hiện sai phạm và ngăn chặn rủi ro. Chế tài xử phạt còn nhẹ, chủ yếu là xử lý hành chính. Việc quản lý hoạt động cho thuê máy chủ còn lỏng lẻo.
Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu bổ sung, sửa đổi và ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh hoạt động kinh doanh đa cấp, đặc biệt là làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả tội phạm trong lĩnh vực này, có biện pháp xử lý nghiêm đối tượng sử dụng khoa học, công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của cá nhân và doanh nghiệp.
LÊ NGỌC