Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

NDĐT - Ngày 26-2, Trường đại học Công nghiệp (ĐHCN) Hà Nội tổ chức hội nghị khoa học “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tham dự có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng; Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội Viettel, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng; nhiều học giả, nhà giáo, nhà khoa học cùng tham dự.

Tại hội nghị, đông đảo các nhà quản lý, nhà giáo, nhà khoa học đã chia sẻ, trao đổi những vấn đề liên quan đến đào tạo nhân lực như: Mô hình đại học điện tử, hợp tác nhà trường và doanh nghiệp, hoạt động nghiên cứu khoa học… trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh: Trung ương, Chính phủ đều quan tâm, đề cập từ rất sớm và có những chỉ đạo rất cụ thể để cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ là xu thế chung mà thật sự trở thành nền tảng của đời sống kinh tế - xã hội. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ hàng đầu trong phát triển cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong số các cơ sở đào tạo, Trường ĐHCN Hà Nội đã có nhiều đổi mới mô hình đào tạo, có giải pháp thiết thực gỡ nút thắt trong phát triển công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trong thời gian tới, việc đào tạo nhân lực là yếu tố then chốt cho phát triển bền vững và tiếp cận thành công cách mạng công nghiệp 4.0, vì vậy, cần tiếp tục đổi mới trong các cơ sở đào tạo để bảo đảm yêu cầu giai đoạn mới của cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là trong xu thế chúng ta đang hội nhập sâu rộng, chuyển dịch về dòng vốn đầu tư, lao động…

Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp có thể tạo ra hàng chục trường đại học bứt phá lên hàng đầu nhờ đi đầu trong đổi mới. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay cần thay đổi cách thức đào tạo. Nếu như trước đây là học trước làm sau thì hiện nay có thể thay đổi ngược lại, các trường đại học khi đào tạo nên cho sinh viên thực hành, làm để biết trước rồi học sau. Đáng chú ý, trước đây trong đào tạo chủ yếu là 100% kiến thức từ thầy thì hiện nay cần tăng cường tự học của người học và tăng cường việc dạy thực tiễn của các chuyên gia, doanh nhân… Việc đào tạo cũng cần tiếp cận theo hướng đa ngành thay vì chuyên ngành như trước đây, đồng thời học không có nghĩa là nghe theo, học thuộc mà cần tăng sự phản biện của người học… mới đáp ứng được yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.

TS Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐHCN Hà Nội nhìn nhận muốn đổi mới đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực của cách mạng công nghiệp 4.0 cần thường xuyên nghiên cứu, khảo sát để nắm bắt nhu cầu xã hội gắn với phát triển các chương trình, đổi mới phương thức và phương pháp đào tạo… Đặc biệt vấn đề đổi mới công tác quản lý cần đề cao tính chủ động của các khoa trong đào tạo, nghiên cứu khoa học; ứng dụng triệt để ICT trong mọi hoạt động, đồng thời đẩy mạnh quốc tế hóa trong đào tạo và các hoạt động khoa học công nghệ…

Tiếp cận từ thực tiễn đào tạo kỹ thuật, TS Nguyễn Văn Thiện, Trưởng khoa Cơ khí (Trường ĐHCN Hà Nội) cho rằng để tận dụng cơ hội và bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cần bắt đầu từ những việc đơn giản, thiết yếu và bền vững nhất là phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao. Các nhà trường cần xây dựng các phòng học thông minh và có sự hợp tác sâu rộng giữa doanh nghiệp và nhà trường. Ngoài ra cần đẩy mạnh việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu…

XUÂN KỲ

 

Web designed on www.saco.vn

Top