Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

Các đối tượng trong băng nhóm giả danh là công an, viện kiểm sát rồi yêu cầu các nạn nhân chuyển tiền vào số tài khoản của chúng để chiếm đoạt.

Ngày 8/12, báo VTC News đưa tin, Công an tỉnh Hải Dương vừa bắt giữ 2 đối tượng trong băng nhóm giả danh công an, viện kiểm sát để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Quá trình điều tra, công an xác định Lê Văn Trình và Nguyễn Đình Quang (cùng trú tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) là 2 mắt xích trung gian trong băng nhóm trên.

Hồ sơ vụ án thể hiện, cuối tháng 10/2020, các đối tượng gọi điện thoại đến bà P.T.H (trú tại hường Nguyễn Trãi, TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương) nói bà liên quan đến các vụ việc phi pháp như rửa tiền, buôn bán ma túy, rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản của họ để điều tra, nếu sau này không liên quan sẽ trả lại.

Do lo sợ, bà H. đã nhiều lần chuyển tiền cho các đối tượng với số tiền lên đến gần 400 triệu đồng.

Tại cơ quan công an, Lê Văn Trình khai nhận, ngày 22/10, Trình nhận được tin báo sắp có tiền, Trình và Quang cùng nhau ra Hải Phòng để thực hiện việc chuyển và rút tiền.

Đến chiều ngày 22/10, trên hệ thống Internet Banking do Trình đăng ký báo có gần 600 triệu đồng chuyển vào. Trình bảo Quang chuyển tiền sang 3 tài khoản thẻ khác nhau được 390 triệu, số tiền còn lại bị ngân hàng phong tỏa không cho chuyển.

Với số tiền chuyển được, cả 2 ra cây ATM rút, sau đó gửi lại qua đường chuyển phát nhanh cho người trong nhóm trước đó thông báo cho Trình…

Cũng theo Công an tỉnh Hải Dương, Trình thuê Quang mua lại chứng minh nhân dân của những người khác cầm cố tại các hiệu cầm đồ, sau đó đến các ngân hàng mở tài khoản.

Các đối tượng cũng mua nhiều sim điện thoại sử dụng vào việc đăng ký dịch vụ Internet Banking để chuyển tiền vào các tài khoản khác nhau được họ mở tại các ngân hàng.

Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường rút tiền tại các cây ATM mà không ra các quầy giao dịch của ngân hàng để rút tiền. Số tiền rút được, Trình chuyển lại 80% cho một người trong nhóm tên Tuấn Anh, Trình được hưởng 20%. Sau đó, Trình lại chiết khấu 5% số tiền “hoa hồng” nhận được cho Quang.

Công an tỉnh Hải Dương khuyến cáo, khi người dân nhận được các cuộc điện thoại từ người lạ, tự xưng là đại diện của cơ quan công an, viện kiểm sát cần phải hết sức bình tĩnh.

Nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ cần đến ngay cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết, tuyệt đối không được chuyển tiền vào các tài khoản do bọn chúng cung cấp, vì đây là tài khoản mà bọn chúng dùng để thực hiện việc nhận tiền, chuyển tiền và chiếm đoạt tài sản.

Đặc biệt, đối với tất cả các vụ việc liên quan, nếu có yêu cầu làm việc với người dân, công an sẽ có giấy mời hoặc triệu tập đến cơ quan công an làm việc, không điện thoại dọa nạt hay yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để phục vụ công tác điều tra, xử lý các vụ án, theo Zing.

Hiện vụ việc đang tiếp tục được làm rõ.

Chiếu theo tình tiết vụ việc, các đối tượng có thể đã phạm vào điểm a, b, đ, e, Khoản 2, điểm b, Khoản 4, Điều 174 Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Bộ luật hình sự năm 2015, Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

..

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

..

b) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này;

Đăng Khoa (t/h)

Web designed on www.saco.vn

Top