Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

Các vụ việc bóc gỡ gần đây đều có chiêu thức tương tự. Điều đáng nói là quy mô hoạt động của các đường dây này là rất lớn, lượng hàng giả tiêu thụ trên diện rộng.

Chiêu thức tinh vi

Ngày 6/12, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự “sản xuất, buôn bán hàng giả”, đồng thời, khởi tố bị can, bắt tạm giam Đỗ Văn Khiến, Giám đốc công ty TNHH Dầu nhớt Văn Thành (có trụ sở tại 10/1H Mỹ Huề, ấp Mới 2, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, Lã Văn Hải, ngụ xã Trung Chánh về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.

Bên cạnh đó, cơ quan Cảnh sát điều tra cũng tạm giam Nguyễn Văn Đức về tội Sản xuất hàng giả.

Liên quan đến vụ việc này, vào lúc 13h ngày 25/11, Tổ công tác của Đội 7 (phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an TP.HCM) bắt quả tang đối tượng Hải (điều khiển xe ô tô tải, biển kiểm soát 54Y-3678) khi tiến hành bốc dỡ số dầu nhớt giả các nhãn hiệu BP, Castrol.

Hải cho biết, chở thuê số dầu nhớt này cho Đỗ Văn Khiến.

Tiến hành điều tra thêm, lực lượng chức năng phát hiện, số dầu nhớt này được Khiến sản xuất tại kho ở địa chỉ 15 Nguyễn Thị Đặng, phường Hiệp Thành, quận 12.

Đồng thời, lực lượng chức năng tiến hành khám xét thêm các điểm tại quận, huyện: 12, Hóc Môn, Bình Tân thu giữ số lượng lớn nhiều dầu nhớt giả thành phẩm các loại, nhớt nguyên liệu cũng như máy móc, trang thiết bị dùng để sản xuất nhớt giả.

An ninh - Hình sự - Triệt phá đường dây nhớt giả- Nhận diện thủ đoạn tinh vi và nỗi lo cháy nổ

Cận cảnh nơi sản xuất dầu nhớt giả của Khiến.

Tại cơ quan điều tra, Khiến khai nhận, khoảng năm 2017, thành lập công ty Văn Thành để kinh doanh dầu nhớt chính hãng.

Tuy nhiên, do khó khăn nên đến 2018, Khiến buôn bán dầu nhớt giả nhiều nhãn hiệu. Đầu năm 2019, đối tượng này quen biết với một một phụ nữ (tên T.) - cũng sản xuất, buôn bán nhớt giả tại kho hàng địa chỉ 15 Nguyễn Thị Đặng rồi tiến hành làm chung.

Trong đó, Khiến sử dụng một phần diện tích kho và trả tiền cho bà T. theo giá 15.000 đồng/thùng nhớt, dung tích 18 - 20 lít và 24.000 đồng/thùng 24 chai, loại 1 lít hoặc thùng 4 can 5 lít và thùng 6 can 4 lít.

Để có nguyên liệu sản xuất, Khiến khai mua nhớt nguyên liệu của một công ty ở đường Huỳnh Văn Nghệ, phường 12, quận Gò Vấp, với giá 850.000 đồng/thùng phi, loại 200 lít.

Còn các nguyên vật liệu và vật dụng như: Tem, nhãn, bồn chứa, máy móc, can, chai… được Khiến mua nhiều nơi khác nhau. Dầu nhớt sau khi làm giả các nhãn hiệu như: BP, Castrol, Petrolimex… được bán ra thị trường và thu lợi khoảng 60.000 đồng/thùng, sau khi trừ chi phí đã trả cho nhân viên và tiền kho bãi.

Lượng nhớt giả được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện, cơ quan đang tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ, để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, một vụ việc tương tự, đặc biệt là chiêu thức sản xuất, tiêu thụ nhớt giả cũng bị triệt phá.

Cụ thể, vào năm 2019, lực lượng Công an TP.HCM cũng đã bắt giữ Nguyễn Thái Ngọc, Giám đốc công ty TNHH Đầu tư quốc tế Thuận Phát (có trụ sở tại quận Bình Tân); Nguyễn Mẫu Hiếu (ngụ huyện Bình Chánh); Nguyễn Ngọc Tới (ngụ quận Bình Tân) để điều tra về hành vi sản xuất nhất dầu nhớt giả.

An ninh - Hình sự - Triệt phá đường dây nhớt giả- Nhận diện thủ đoạn tinh vi và nỗi lo cháy nổ (Hình 2).

Thùng phi cỡ lớn nằm la liệt trong kho sản xuất nhớt giả.

Để bóc gỡ đường dây này, vào chiều 6/6/2019, phát hiện Hiếu đang chở 30 thùng dầu nhớt giả, chuẩn bị giao cho nhà xe để chuyển về sóc Trăng tiêu thụ, lực lượng công an đã bắt quả tang.

Tiếp tục khám xét các kho hàng, điểm tiêu thụ nhớt giả tại quận 10, Bình Tân, Tân Bình, Bình Chánh, Hóc Môn, lực lượng công an phát hiện và thu giữ thêm gần 100 thùng nhớt (loại dung tích 18 lít/thùng và 30 lít/thùng), gần 1000 chai nhớt (loại 1 lít và 800 ml).

Bên cạnh đó, còn có số lượng lớn vỏ, can nhựa, tem nhãn và các loại máy móc liên quan đến việc sản xuất nhất nhớt giả.

Ngọc là người cầm đầu và chỉ huy trực tiếp, trong đó giao cho Hiếu thu mua các loại vỏ, bình (loại 1 lít và 800 ml) tại các điểm sửa chữa xe máy. Số này sau đó về vệ sinh, rồi chiết nhớt từ can 30 lít vào, tiến hành đóng và dập nắp mới, dán băng keo và giao bán cho các điểm tiêu thụ.

Hậu quả khôn lường

Anh K., chủ một tiệm sửa xe ở Quốc lộ 1 (thuộc địa phận quận 12, TP.HCM) cho biết: “Thời gian gần đây, có khá nhiều người đến hỏi mua vỏ bình dầu nhớt các loại, cỡ nào họ cũng lấy. Tuy nhiên loại 800ml, 1 lít, 1,5 lít… đang được săn lùng rất nhiều.

Tôi không rõ họ mua để làm gì nhưng số lượng người tìm nhiều cũng đắt nghi vấn là có liên quan đến việc sản xuất dầu nhớt giả, như một số vụ việc mà cơ quan chức năng phát hiện gần đây”.

Cũng theo anh K.: “Việc cung cấp nhớt giả rất khó phát hiện, khi họ đổ nhớt vào vỏ thật, dập tem nên toàn bộ thông tin trên vỏ là thật nhưng chỉ có ruột là giả mà thôi”.

Ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật trên thị trường cho thấy, hiện nay có đầy đủ các loại dầu nhớt cho các loại phương tiện, từ các tiệm sửa chữa xe gắn máy - ô tô cho đến các cửa hàng phụ tùng xe gắn máy - ô tô hay các gara và thậm chí là các hãng phân phối xe gắn máy - ô tô.

Vì vậy, để phân biệt được thật - giả đối với các loại dầu nhớt này là không hề dễ dàng gì. Đặc biệt, tính năng dầu nhớt giả không thể như dầu nhớt chính hãng, dễ dẫn đến nguy cơ cháy, nổ phương tiện khi tham gia giao thông”.

Tinh vi hơn với chiêu thức ruột giả lại được bơm vào vỏ thật (của các hãng sản xuất) thì để biết được đâu là dầu nhớt giả, đâu là hàng thật là chuyện không dễ dàng chút nào.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Đoàn Văn Hùng (đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Theo quy định của Bộ luật Hình sự (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, có mức phạt tù cao nhất là 15 năm tù giam”.

An ninh - Hình sự - Triệt phá đường dây nhớt giả- Nhận diện thủ đoạn tinh vi và nỗi lo cháy nổ (Hình 3).

Số hàng tập kết chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Luật sư Hùng cho biết thêm: “Việc sản xuất, buôn bán hàng giả là hành vi biết rõ là là hàng giả, có giá rẻ hơn và dùng các thủ đoạn gian dối để bán cho người tiêu dùng với giá của hàng thật.

Đây là hành vi không chỉ uy hiếp đến an toàn tính mạng của người khác (như việc sử dụng dầu nhớt giả, phương tiện dễ bị hỏng hóc, cháy nổ, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất lớn, đe dọa tính mạng của người khác) mà còn xâm phạm đến lợi ích của người tiêu dùng, quyền được bảo hộ của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, kinh doanh đứng đắn.

Một cán bộ thuộc Công an TP.HCM cũng cho biết: “Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã bắt giữ, triệt phá nhiều vụ việc liên quan đến sản xuất, buôn bán dầu nhớt giả. Các đối tượng, đường dây khác cũng đang nằm trong tầm ngắm của lực lượng chức năng.

Hoạt động này để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cũng như cho các doanh nghiệp, nhà sản xuất, buôn bán kinh doanh dầu nhớt làm ăn uy tín, đàng hoàng, hoạt động theo đúng quy định của pháp luật”.  

“Vỏ bình là của nhà sản xuất thì chắc chắn là thật. Tuy nhiên, nắp chai có thể làm giả nhưng cũng phải là dân chuyên nghiệp mới có thể phát hiện được bằng mắt thường. Dù vậy, để biết chắc chắn nắp, vẫn phải kiểm định, bởi việc làm giả hiện nay rất tinh vi. Còn ruột (dầu nhớt) phải kiểm nghiệm mới biết được, nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì không thể biết đó là giả hay thật, cho dù đó là người chuyên nghiệp”, ông Nguyễn Văn Hùng, người có nhiều năm kinh nghiệm làm trong hãng nhớt cho hay.

Web designed on www.saco.vn

Top