Trụ sở: 361/8 Phan Huy Ích, Phường 14, Quận Gò Vấp, TP. HCM

ĐT: 028 39 1600 39

Một đối tượng đã làm giả giấy tờ, chữ ký của công an để ra thông báo truy tìm 1 bé gái mất tích, trong khi cô bé này vẫn bình an vô sự.

Hàng nghìn lượt chia sẻ thông tin giả

Theo đó, câu chuyện trên xảy ra tại địa bàn TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Cụ thể, vào 7/12, trên mạng xã hội Facebook, Zalo, xuất hiện hàng loạt các thông tin hình ảnh của 1 tài khoản kêu gọi cộng đồng mạng chia sẻ thông tin, tìm kiếm bé gái mang tên L.M.L., SN 2017, ngụ phường Lái Thiêu, TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Thông tin ghi rõ, “Gấp Gấp Gấp, bắt cóc trẻ em! Bé gái L.M.L. bị một đối tượng bắt cóc khi đang đứng chơi trước cửa nhà. Nghi ngờ người bắt cóc là một nam thanh niên cao khoảng 1,7m. Đến nay vẫn chưa thấy tung tích của bé gái, nhờ cộng đồng mạng chia sẻ sớm tìm giúp gia đình”.

Tài khoản này còn đính kèm theo hình ảnh của bé gái là văn bản truy tìm tung tích của Công an phường Lái Thiêu, TP.Thuận An đề ngày 7/12, do Thiếu tá Trần Hùng Cường ký, có thông tin đặc điểm nhận dạng của đối tượng nghi vấn bắt cóc, và số điện thoại liên hệ… 

Vụ việc khiến nhiều người dùng mạng xã hội xôn xao. Chỉ trong vòng ít phút, những thông tin hình ảnh trên đã được hàng nghìn người chia sẻ rộng rãi. Nhiều người đã chia sẻ vào hội nhóm, mong tìm được bé gái.

An ninh - Hình sự - Cơ quan chức năng khẳng định thông tin bé gái 3 tuổi bị bắt cóc là giả

Thông tin bé gái bị bắt cóc chia sẻ hàng loạt trên mạng xã hội.

Chị Nguyễn Hoa (1 người chia sẻ) thông tin trên trang cá nhân của mình cho hay: “Tôi thường xuyên sử dụng mạng xã hội Facebook để tìm kiếm các thông tin và theo dõi nhiều đoạn video lúc rảnh rỗi.

Tối 7/12, khi thấy thông tin bé gái ở phường Lái Thiêu, TP.Thuận An được nhiều người chia sẻ, tôi có đọc và thấy rất cần thiết nên đã chia sẻ về trang cá nhân và một vài hội nhóm”.

“Thực ra, ban đầu tôi cũng rất ngại chia sẻ, nhưng thấy hình ảnh cháu gái và văn bản truy tìm của công an có đóng mộc đỏ, chứ ký nên an tâm chia sẻ rộng rãi thông tin trên.

Chỉ mong muốn có ai đó vô tình thấy được bé gái thì báo cơ quan chức năng để đón bé về. Hiện nay xã hội rất phức tạp, 1 bé gái quá nhỏ mà mất tích, gia đình loạn lên tìm kiếm thì không thể nào mà không giúp được”, chị Hoa chia sẻ.

Không chỉ riêng chị Hoa, nhiều người khác sau khi đọc được thông tin trên cũng đã chủ động chia sẻ, khiến các hình ảnh trên lan rộng một cách chóng mặt trên hàng loạt diễn đàn.

Giả mạo chữ ký, con dấu công an

Sau khi thông tin trên xuất hiện, cơ quan Công an TP.Thuận An, tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, nhưng thật bất ngờ các thông tin trên đều là...giả.

Cụ thể, lãnh đạo Công an phường Lái Thiêu, TP.Thuận An xác nhận, tại cơ quan này không có Trưởng công an phường tên Thiếu tá Trần Hùng Cường. Đơn vị này cũng không tiếp nhận thông tin trình báo, tố giác từ người dân về việc có con em, hoặc bé gái mất tích.

Phía Công an phường Lái Thiêu cũng cho biết, trước đây đơn vị này có đồng chí Trần Hùng Cường, nhưng chức vụ là Phó trưởng Công an phường. Tuy nhiên, đồng chí này hiện đã chuyển công tác đến 1 đơn vị khác, nên không thể là người ký các văn bản trên.

An ninh - Hình sự - Cơ quan chức năng khẳng định thông tin bé gái 3 tuổi bị bắt cóc là giả (Hình 2).

Đối tượng làm giả cả chữ ký, con dấu của lực lượng cơ quan chức năng.

Phía Công an TP.Thuận An khẳng định, các thông tin lan truyền trên mạng là giả, hiện Trưởng Công an phường Lái Thiêu là 1 người khác. Cùng với đó, trên địa bàn không có vụ bắt cóc, hay trẻ em mất tích nào.

Cơ quan này đang phối hợp cùng nhiều đơn vị nghiệp vụ và Công an phường Lái Thiêu, điều tra làm rõ việc giả mạo giấy tờ, cũng như tung tin giả trên.

Liên quan đến vụ việc trên, khi nắm được thông tin trên mạng xã hội lan truyền việc 1 bé gái nghi bị bắt cóc, ông Phạm Phú Nam, Chủ tịch UBND phường Lái Thiêu khẳng định, những ngày qua trên địa bàn phường không xảy ra vụ việc nào như trên mạng xã hội đang lan truyền.

Tung tin giả là phạm pháp 

Về hành vi tung tin đồn giả, thất thiệt, xem xét xử phạt theo quy định tại Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông tần số vô tuyến điện.

Cụ thể, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định: 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau: a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;

Ngoài ra, việc sử dụng con dấu giả có thể bị xem xét xử lý hình sự về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; mức phạt có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng; hoặc có thể bị xử phạt tù mức thấp nhất là 6 tháng và cao nhất là 7 năm tù.

Còn về việc nếu đối tượng lợi dụng việc làm giả văn bản, con dấu, chữ ký của tổ chức có thẩm quyền với mục đích lừa đảo và các hình thức khác thì sẽ khởi tố vụ án theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Dựa vào hậu quả (thiệt hại) mà hành vi làm giả con dấu gây ra và số lần làm giả dấu của người đó mà cơ quan điều tra sẽ truy tố theo khoản 1 hoặc khoản 2, 3 theo quy định. Đồng thời, căn cứ vào từng tính chất của vụ việc, mục đích của hành vi giả mạo chữ ký mà người giả mạo chữ ký có thể bị xử lý bằng các biện pháp xử phạt hành chính được quy định tại Điều 21 luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Web designed on www.saco.vn

Top